02/12/2012 - 08:28

Palestine được nâng quy chế tại LHQ

Israel bắt đầu cuộc đáp trả nguy hiểm

Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau khi Palestine được Liên Hiệp Quốc công nhận là "nhà nước quan sát viên-phi thành viên" hôm 30-11, chính quyền của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thông báo kế hoạch mở rộng khu định cư Do Thái trên vùng đất chiếm đóng trái phép của người Palestine – một động thái mà giới chức Palestine coi là "khiêu khích", còn đồng minh cật ruột của Israel là Mỹ thì ví như "đòn đánh chí mạng" vào kế hoạch "hai nhà nước" từng được kỳ vọng là giải pháp mang lại hòa bình cho Trung Đông.

Phát biểu với báo giới, một quan chức giấu tên của Israel khẳng định Thủ tướng Netanyahu đã quyết định xây 3.000 căn nhà, nhưng không nói địa điểm chính xác tại Đông Jerusalem hay khu Bờ Tây ngay sau khi Palestine giành được thắng lợi ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc (LHQ). Trong khi đó, một nguồn tin khác của Israel cho biết khu định cư mới có thể được xây tại khu E1, khu hành lang chạy từ rìa phía Đông của Đông Jerusalem tới khu định cư Maaleh Adumim. Nếu được xây dựng, khu định cư mới này sẽ ngăn cách phần phía Bắc của khu Bờ Tây với phần phía Nam, gây khó khăn cho việc thành lập nhà nước Palestine độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô.

 Một bé gái Palestine đẩy một lính Israel trong cuộc biểu tình chống xây dựng khu định cư Do Thái ở làng  al-Masara thuộc khu Bờ Tây. Ảnh: EPA

Điều đáng nói là ở chỗ mặc dù đã cam kết với Tổng thống Mỹ Barack Obama nhưng Thủ tướng Israel vẫn quyết định xây dựng khu định cư mới tại khu vực E1. Trước đó, Israel đã dừng dự án xây nhà định cư tại khu E1 như một phần cam kết theo lộ trình hòa bình Trung Đông của cộng đồng quốc tế năm 2003. Trong phiên họp Đại hội đồng LHQ hôm 1-12, đại sứ Palestine Riyad Mansour nói: "Họ (Israel) đang cố tình khiêu khích chúng tôi. Việc mở rộng các khu định cư Do Thái rõ ràng là hành động xem thường luật pháp quốc tế, cần phải chấm dứt ngay cũng như không được tái diễn những cuộc tấn công kiểu như những vụ không kích gần đây ở Gaza".

Hiện thời, có khoảng 500.000 người Do Thái sinh sống ở Bờ Tây và Đông Jerusalem, trên những vùng đất mà Israel đã đánh chiếm trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967. Đây là những vùng lãnh thổ mà người Palestine đòi Israel phải trao trả cho Nhà nước Palestine độc lập. Giới phân tích cho rằng cuộc bỏ phiếu vừa qua tại Đại hội đồng LHQ phản ánh thái độ bất bình của châu Âu trước cách hành xử lâu nay của Tel Aviv đối với chính quyền Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ông Gidi Grinstein, Viện trưởng Viện Reut nhận xét: "Chính phủ Israel đã không đánh giá hết mức độ nghiêm trọng của cuộc bỏ phiếu vừa qua và đây là một thất bại lớn hơn nhiều so với dự kiến đối với Nhà nước Do Thái". Alon Liel, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Israel, cũng nhận định cuộc bỏ phiếu vừa qua của LHQ là một tín hiệu rất mạnh mẽ đối với Israel, rằng họ không thể tiếp tục lấp liếm vấn đề định cư Do Thái và đây chính là "đèn đỏ" đối với Israel.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Tommy Vietor nói: “Chúng tôi (Mỹ) tái khẳng định sự phản đối với các khu định cư và việc xây dựng ở Đông Jerusalem. Chúng tôi tin những hành động như vậy là phản tác dụng và càng gây khó khăn hơn cho việc nối lại đàm phán trực tiếp hay việc tiến tới một giải pháp hai nhà nước”. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng chỉ trích Israel. Bà Clinton nhấn mạnh rằng chính quyền Mỹ hiện tại cũng như các chính quyền Mỹ trước đó đã bày tỏ quan điểm rất rõ ràng với Israel rằng “những hành động như vậy là rào cản đối với một nền hòa bình thông qua thương lượng”.

Theo hãng tin Anh Reuters, phương Tây đã bơm hàng tỉ USD trong nhiều năm qua cho chính quyền Abbas để giúp xây dựng chính quyền này thành một đối tác cho tiến trình hòa bình Trung Đông. Israel tố cáo Palestine "phớt lờ các cuộc đàm phán trực tiếp để tìm kiếm quy chế nhà nước". Trong khi đó, chính quyền Palestine khẳng định việc tìm kiếm quy chế nhà nước là để nâng tầm vị thế của Palestine lên ngang hàng với Israel trong các cuộc đàm phán trực tiếp với nước này. Đại sứ Palestine tại LHQ Mansour nhấn mạnh: "Palestine vẫn mở rộng vòng tay hòa bình". Tại phiên họp Đại hội đồng LHQ ở New York, Tổng thống Abbas cũng nêu rõ: "Tôi đã nói hàng ngàn lần rằng chúng tôi muốn nối lại đàm phán và đã sẵn sàng cho việc đó. Chúng tôi không đặt ra bất cứ điều kiện gì dù đã có ít nhất 15 nghị quyết của LHQ coi hoạt động định cư của Israel là bất hợp pháp và là rào cản cho hòa bình cần phải được dỡ bỏ".

Đây không phải là lần đầu tiên Tel Aviv có hành động "đáp trả" như thế. Vào tháng 8-2011, một tháng sau khi Tổng thống Abbas tiến hành cuộc vận động đầu tiên nâng cấp quy chế của Palestine tại Hội đồng Bảo an LHQ, Bộ Nội vụ Israel đã thông qua lần cuối cùng kế hoạch xây dựng khu dân cư 1.600 căn nhà ở Đông Jerusalem. Tuy nhiên, theo báo Mỹ New York Times, việc chính quyền Israel cho tiến hành kế hoạch E1 lần này, bất chấp sự phản đối của Mỹ và các nước châu Âu, là "một cuộc đáp trả vô cùng nguy hiểm".

NHẬT QUANG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết