17/03/2010 - 08:23

Internet - Vũ khí mới của Washington ?

Bộ Tài chính Mỹ mới đây thông báo sẽ xem xét cấp phép cho các công ty cung cấp dịch vụ lướt web, trang nhật ký trên mạng, thư điện tử, trang mạng xã hội… xuất khẩu các sản phẩm của mình sang 3 nước nằm trong danh sách “quốc gia tài trợ khủng bố” là Cuba, Iran và Sudan. Đây có thể được coi là bước thay đổi chính sách cấm vận theo học thuyết “ngoại giao thông minh” và “quyền lực mềm” của chính quyền Barack Obama. Tuy nhiên, “lòng tốt” của Chú Sam lập tức bị các nước này phê phán.

Bộ Ngoại giao Cuba ngày 15-3 cho rằng Washington vẫn chưa “mềm hóa” chính sách ngoại giao hay phát triển các mối quan hệ bình thường với La Havana, mà chỉ nhằm mục tiêu tạo thuận lợi cho kế hoạch phá hoại và gây bất ổn đất nước này. Theo Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ Josefina Vidal Ferreiro, Mỹ chỉ cho phép các công ty cung cấp dịch vụ Internet cho các cá nhân chứ không phải là giới doanh nghiệp hay tổ chức của Cuba, và điều này có nghĩa Washington không hề nới lỏng chính sách cấm vận mà họ áp đặt chống La Havana từ nửa thế kỷ qua. Đành rằng tại Cuba, giá các dịch vụ Internet ở những nơi như khách sạn rất đắt đỏ, lên tới 8 USD/giờ trong khi lương trung bình của người làm công khoảng 20 USD/tháng, nhưng đó là do chính sách cấm vận của Mỹ không cho Cuba lắp đặt hệ thống cáp quang. Giá nối mạng Internet cao khiến ít người dân Cuba tiếp cận dịch vụ của loại hình viễn thông hiện đại này. Thế nhưng Mỹ lại cáo buộc Cuba kiểm soát gắt gao Internet và cấp phép đăng ký nối mạng.

Tại Iran, cảnh sát nước này ngày 13-3 cho biết vừa bắt giữ 30 đối tượng trong băng nhóm phát động “chiến tranh tâm lý” chống chế độ trên Internet. Theo cơ quan công tố, nhóm có liên quan đến phong trào vũ trang đối lập sống lưu vong này đã giúp người Iran tiếp cận các dịch vụ Internet không qua hệ thống kiểm duyệt chính thức nhằm khuyến khích và kích động họ tham gia biểu tình bất hợp pháp, đồng thời chuyển thông tin khoa học hạt nhân cho các cơ quan tình báo Mỹ. Kênh truyền hình Press TV của Iran cho biết nhóm này có thể đã nhận được 50 triệu USD từ Cục Tình báo Trung ương (CIA) và Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm thực hiện nhiều chiến dịch khác nhau trên Internet. Bọn chúng đã xúi giục những người ủng hộ phe đối lập tham gia các cuộc biểu tình rầm rộ và đẫm máu chống Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad hồi tháng 12-2009 thông qua các trang mạng như Twitter và YouTube. Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó trình bày trước quốc hội nước này rằng các trang mạng trên là một loại “phương tiện cần thiết để cổ vũ và hậu thuẫn làn sóng tự do thông tin cho các công dân Iran, đồng thời nó là yếu tố cơ bản phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ”.

Bộ Ngoại giao Sudan thì tuyên bố biện pháp cấm vận Internet đã tác động đến lợi ích kinh doanh của các công ty công nghệ Mỹ và nhấn mạnh việc nới lỏng chính sách này không tác động gì lớn đến quyền được tiếp cận thông tin và tri thức mới của người dân Sudan. Vì vậy, Khartoum chỉ chấp nhận khi Washington bãi bỏ hoàn toàn và vô điều kiện lệnh cấm vận kinh tế mà họ áp đặt lên nước này từ năm 1997 đến nay.

PHÚC GIA AN (Theo AP, AFP, Le Monde)

Chia sẻ bài viết