09/01/2025 - 08:14

Indonesia và vị thế mới của BRICS 

Indonesia vừa chính thức trở thành thành viên đầy đủ của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Là nền kinh tế lớn nhất Ðông Nam Á, việc kết nạp Indonesia sẽ củng cố nỗ lực của khối nhằm nâng cao vị thế địa chính trị toàn cầu và tăng cường hợp tác ở Nam bán cầu.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva (trái) chào đón người đồng cấp Indonesia Prabowo Subianto tại Rio de Janeiro hồi cuối năm 2024. Ảnh: AFP

Được thành lập vào năm 2009, BRICS ban đầu có các thành viên Brazil, Nga, Ấn Ðộ và Trung Quốc, sau đó kết nạp Nam Phi năm 2011, rồi đến lượt Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) gia nhập năm 2024. Với “tân binh” Indonesia, tổng số thành viên của BRICS đã tăng lên 10.

BRICS ra đời nhằm tăng cường hợp tác giữa các quốc gia ở Nam bán cầu và thách thức sự thống trị của một số nước phương Tây trong việc ra quyết định về các vấn đề toàn cầu. Các sáng kiến ​​như “phi USD hóa” trong thương mại quốc tế và thành lập Ngân hàng Phát triển Mới là minh chứng cho cách tiếp cận thay thế này. Mục tiêu cốt lõi của BRICS là xây dựng nền chính trị toàn cầu thực sự đa phương, thúc đẩy quản trị toàn cầu công bằng và bình đẳng cũng như tăng cường sự phát triển chung.

Tuyên bố Kazan, được soạn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh của BRICS ở Kazan (Nga) vào tháng 10-2024, kêu gọi cải cách các thể chế quản trị toàn cầu để phản ánh thực tế đang thay đổi trong một thế giới mà các nước đang phát triển đã mạnh lên đáng kể.

Sự trỗi dậy của Nam bán cầu

“Indonesia chia sẻ với các thành viên khác của nhóm về sự ủng hộ đối với việc cải cách các thể chế quản trị toàn cầu và đóng góp tích cực vào việc tăng cường hợp tác ở Nam bán cầu”, Chính phủ Brazil, quốc gia giữ chức Chủ tịch BRICS năm 2025, nhấn mạnh hôm 6-1 khi thông báo Jakarta chính thức gia nhập khối.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả Indonesia là một quốc gia đang phát triển lớn và là thế lực quan trọng ở Nam bán cầu. Bộ này đánh giá việc Indonesia gia nhập BRICS sẽ phục vụ lợi ích chung của các nước thành viên và Nam bán cầu, mở đường cho “sự trỗi dậy tập thể của Nam bán cầu”.

Với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 1.400 tỉ USD, dân số hơn 280 triệu người và tăng trưởng kinh tế hàng năm vượt quá 5% trong phần lớn thập kỷ qua, Indonesia được coi là một trong những thị trường mới nổi năng động nhất trên toàn cầu. Ðây là quốc gia đông dân thứ tư thế giới sau Ấn Ðộ, Trung Quốc và Mỹ.

Sức mạnh tổng thể của BRICS

Tổng cộng 10 thành viên BRICS đại diện cho gần một nửa dân số thế giới với hơn 38% GDP toàn cầu theo PPP.  Trong khi đó, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7 gồm Canada, Pháp, Ðức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ) chỉ chiếm 29% tổng GDP.

Ðược thúc đẩy bởi các thành viên mới, BRICS hiện đang tìm cách xây chắc danh tiếng như một tổ chức thay thế cho Nhóm G7 do Mỹ đứng đầu. Washington đã để mắt tới BRICS. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dọa sẽ áp thuế 100% đối với khối này nếu họ tạo ra một loại tiền tệ cạnh tranh với đồng USD.

Sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của BRICS có thể được thấy qua năng lực sản xuất của các nền kinh tế tạo nên khối này. Các thành viên và đối tác của BRICS là những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất các mặt hàng thiết yếu, như ngũ cốc, thịt, dầu thô, khí đốt tự nhiên và các khoáng sản chiến lược như quặng sắt, đồng và niken.

Các quốc gia sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu trong BRICS gồm có Nga (lớn thứ 2), Iran (thứ 3), Trung Quốc (thứ 8), UAE (thứ 10) và Indonesia (thứ 11). Về sản lượng đồng, Trung Quốc đứng thứ 3 thế giới, Nga thứ 7 và Indonesia thứ 9.

Việc kết nạp Indonesia cũng có nghĩa siêu cường niken duy nhất trên thế giới hiện là thành viên của BRICS, bên cạnh các “ông lớn” sản xuất niken khác như Nga (thứ 3), Trung Quốc (thứ 7) và Brazil (thứ 8).

Doanh thu từ niken của Indonesia đã tăng gấp 5 lần, từ 6 tỉ USD vào năm 2013, khi quốc gia vạn đảo chỉ xuất khẩu quặng thô, lên 30 tỉ USD năm 2022. Niken là một khoáng chất quan trọng cần thiết cho các công nghệ năng lượng tái tạo như pin và tấm pin mặt trời.

Những số liệu thống kê trên cho thấy BRICS đã trở thành một trong những tổ chức quan trọng nhất trên Trái đất, tập hợp các quốc gia có dân số đông đảo, quy mô kinh tế khổng lồ và năng lực sản xuất đáng gờm.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết