23/10/2009 - 09:34

Indonesia khó tiếp tục cải cách ?

Tổng thống Yudhoyono (bìa trái) và Phó Tổng thống Boediono cùng hai phu nhân trong lễ nhậm chức hôm 20-10. Ảnh: Jakartapost

Ngày 21-10, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã công bố nội các mới gồm 34 thành viên, mà theo ông là những người “đáng tin cậy và có trách nhiệm” trong việc thúc đẩy các kế hoạch cải tổ sâu rộng. 2/3 số bộ trưởng là những gương mặt mới, với sự kết hợp giữa các nhà kỹ trị và chính khách.

Tái đắc cử trong cuộc bầu cử hồi tháng 7 vừa qua, ông Yudhoyono đưa ra 17 cam kết trong chương trình nghị sự, trong đó có mục tiêu đạt mức tăng trưởng kinh tế 7%/năm. Một dấu hiệu cho thấy sự tiếp nối các chương trình cải cách kinh tế là Tổng thống Yudhoyono giữ lại Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati và Bộ trưởng Thương mại Mari Pangestu. Đây là hai chuyên gia kinh tế kỳ cựu, được công chúng Indonesia và cả các nhà đầu tư nước ngoài tín nhiệm. Bà Indrawati, cựu thành viên chủ chốt ban điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), có công lớn trong việc giảm thâm hụt ngân sách chính phủ, khôi phục niềm tin đối với chính sách kinh tế vĩ mô và đưa Indonesia vượt qua suy thoái kinh tế. Thị trường chứng khoán Indonesia đã tăng 85% từ đầu năm đến nay, và nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á dự báo sẽ tăng trưởng 4% trong năm 2009. Bà Indrawati cũng đã nỗ lực làm trong sạch ngành thuế và hải quan, vốn là “điểm nóng” tham nhũng gây mất lòng tin giới đầu tư nước ngoài.

Còn bà Pangestu được xem là nhà cải cách ủng hộ mạnh mẽ toàn cầu hóa. Bà đã thúc đẩy các giải pháp giảm rào cản thương mại và tăng hiệu quả giao thương của Indonesia, trong đó có nâng cấp cơ sở hạ tầng hải cảng và quy trình xuất nhập khẩu nhanh hơn.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc ông Hatta Rajasa, một thân tín đồng hương với tổng thống, làm Bộ trưởng Điều phối Kinh tế là điều đáng thất vọng. Ông Rajasa bị đánh giá là có ít kinh nghiệm về tài chính và từng bị cách chức Bộ trưởng Giao thông hồi năm 2007 sau khi để xảy ra một loạt vụ tai nạn máy bay. Nhân vật này còn “nổi tiếng” với các chính sách bảo hộ và phản đối tư nhân hóa.

Tại lễ tuyên thệ nhậm chức hôm 20-10, Tổng thống Yudhoyono còn nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách hệ thống tư pháp. Tuy nhiên, Bộ Luật và Nhân quyền lại được ông trao cho Patrialis Akbar, người không có thành tích về bảo vệ nhân quyền. Do vậy, các nhà phân tích cho rằng ông Akbar có thể sẽ không tận tâm làm trong sạch hệ thống tư pháp, hoặc giảm mâu thuẫn giữa cảnh sát và Ủy ban chống tham nhũng độc lập. Ông Yudhoyono cũng giữ lại Tổng chưởng lý Hendarman Supandji, người bị các luật sư chỉ trích là không quyết liệt chống tham nhũng ở cấp cao. Trong số những nhân vật được bổ nhiệm còn có các chính khách của đảng Golkar (liên minh với đảng Dân chủ cầm quyền của ông Yudhoyono), vốn từng cản trở cải cách hệ thống quan liêu và tư nhân hóa các công ty nhà nước.

Nhận được sự ủng hộ của dân chúng, Tổng thống Yudhoyono đã đạt nhiều thành tựu đáng kể trong nhiệm kỳ đầu tiên. Nhưng theo các nhà phân tích, với thành phần nội các như vậy, nhà lãnh đạo 60 tuổi xuất thân từ quân đội này rất khó tạo đột phá trong phát triển đất nước 5 năm tới.

N. KIỆT (Theo WSJ, Jakartapost, Reuters)

Tổng thống Yudhoyono (bìa trái) và Phó Tổng thống Boediono cùng hai phu nhân trong lễ nhậm chức hôm 20-10. Ảnh: Jakartapost

Chia sẻ bài viết