11/04/2008 - 09:59

Hy vọng hòa bình cho Nepal ?

Cảnh sát chống bạo động được triển khai dày đặc ở Thủ đô Kathmandu. Ảnh: AP

Hôm qua 10-4, Nepal tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ năm 1999 nhằm bầu ra Hội đồng đặc biệt (có chức năng như Quốc hội) để soạn thảo hiến pháp mới. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng tại quốc gia vùng Hy Mã Lạp Sơn, bởi nó mở đường cho việc thiết lập nền cộng hòa thay thế chế độ quân chủ tồn tại 240 năm qua.

Có 54 chính đảng tham gia tranh cử, trong đó khả năng giành thắng lợi tập trung vào đảng Quốc đại Nepal (NC) của Thủ tướng Prasad Koirala, đảng Cộng sản Nepal Marxist Leninist Thống nhất (UML) và đảng Cộng sản Nepal-M (CPN-M). Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng rất khó đoán kết quả vì hệ thống bầu cử ở Nepal khá phức tạp. Quốc hội mới có 601 thành viên, trong đó 240 ghế được bầu trực tiếp, 335 ghế phân chia theo tỷ lệ phiếu mà các đảng nhận được và số còn lại sẽ được chính phủ chỉ định. Theo Laxman Bhattarai, người phát ngôn Ủy ban bầu cử Nepal, Quốc hội mới sẽ nhóm họp phiên đầu tiên trong vòng 21 ngày kể từ khi có kết quả bầu cử (sớm nhất là trong 3 tuần nữa) để quyết định liệu có nên xóa bỏ chế độ quân chủ hay không.

Cuộc bầu cử ở Nepal diễn ra trong bầu không khí hết sức căng thẳng với nhiều vụ bạo lực đẫm máu và có tin đồn rằng những nhân vật trung thành với Quốc vương Gyanendra âm mưu duy trì nền quân chủ (bằng chứng là việc hơn 4.000 binh sĩ bảo hoàng không chịu rời cung điện Kathmandu). Bất chấp an ninh được tăng cường tại 20.882 điểm bỏ phiếu với 135.000 cảnh sát và binh sĩ được triển khai, nhưng một ngày trước bầu cử, ít nhất 7 người ủng hộ CPN-M, trong đó có 1 ứng viên quốc hội, đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát.

Cuộc bầu cử hôm qua là kết quả của tiến trình hòa bình và dân chủ được khởi động từ cuối năm 2005, khi Liên minh 7 đảng (SPA) cùng với CPN-M đạt được thỏa thuận chấm dứt bạo lực, xây dựng nền dân chủ và phát triển đất nước. Trước cao trào đấu tranh vì dân chủ, tháng 4-2006, Quốc vương Gyanendra buộc từ bỏ quyền lực, khôi phục Quốc hội và giao quyền cho SPA lập chính phủ lâm thời. Cũng trong thời gian đó, CPN-M (gồm hàng chục ngàn tay súng) trở thành tổ chức chính trị và tham gia chính phủ lâm thời, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 10 năm làm 13.000 người chết.

Với người dân Nepal, cuộc bầu cử hứa hẹn đem lại hòa bình và khôi phục nền kinh tế ở đất nước 27 triệu dân có thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 286 USD/năm. Tuy nhiên, Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế tại Brussels (Bỉ) cảnh báo giai đoạn sau bầu cử ở Nepal sẽ rất khó khăn. Vấn đề gai góc nhất là làm thế nào để các đảng chính trị đạt được sự nhất trí về hệ thống điều hành đất nước, sau khi bãi bỏ chế độ quân chủ. Việc thành lập quân đội mới trong đó có các tay súng CPN-M, duy trì luật pháp và trật tự trong khi hiến pháp đang soạn thảo cũng là những thách thức chủ yếu đối với chính quyền mới.

N.MINH

(Theo Guardian, AFP, AP, TTXVN)

Chia sẻ bài viết