05/02/2019 - 08:17

Học Bác, dựa vào dân lo cho dân 

Trong hàng ngàn công trình, phần việc các tập thể, cá nhân đăng ký làm theo gương Bác mỗi năm, có rất nhiều công trình, phần việc do cán bộ và nhân dân địa phương chung tay thực hiện, góp phần làm cho bộ mặt đô thị, nông thôn thêm khang trang, sáng, xanh, sạch đẹp và nhiều người dân có cuộc sống khấm khá hơn. Ở những điểm sáng ấy, bài học dựa vào dân, khơi dậy sức dân được cán bộ, đảng viên vận dụng nhuần nhuyễn, hiệu quả, đưa phong trào làm theo gương Bác lan tỏa ngày càng sâu rộng…         

Với sự góp sức của nhân dân mà nhiều con hẻm ở khu vực 5 được xây dựng khang trang.

Đoàn kết xây dựng quê hương

Trở lại khu vực 5, phường Bình Thủy (quận Bình Thủy), nơi xây dựng thành công mô hình khu dân cư tiêu biểu, chúng tôi không khỏi trầm trồ trước cảnh quan đẹp mắt khi bon xe qua một số hẻm vừa được nâng cấp. Ông Lê Văn Thắng, Bí thư Chi bộ 3 thuộc Đảng bộ bộ phận khu vực 5, phường Bình Thủy, cho biết: “Thấm nhuần lời dạy của Bác "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm", tập thể chi bộ bàn bạc thống nhất tập trung vận động nâng cấp hẻm, xây dựng cổng hẻm, đáp ứng nguyện vọng của bà con. Trong 3 năm qua, nhân dân đã đóng góp hơn 1,7 tỉ đồng tráng bê tông, trải nhựa và xây dựng cổng các hẻm 22, 24, 26 đường Huỳnh Phan Hộ…”.

Tuyến hẻm 22 dài 327m được xây dựng khang trang nhờ sự đoàn kết đồng lòng đóng góp của nhân dân trong hẻm cộng với sự góp sức của cán bộ khu vực và lực lượng bộ đội của Tiểu đoàn 145 thuộc Lữ đoàn 226. Ông Lê Văn Sở, nhà trong hẻm 22, kể: “Trước đây, hẻm 22 rộng khoảng 4m, giờ hẻm được mở rộng 5-6m. Một số hộ phải đốn bỏ cây ăn trái để mở rộng hẻm, nhưng ai cũng đồng tình... Việc xây hẻm được tiến hành vào này thứ Bảy và Chủ Nhật, do chính cán bộ, nhân dân trong khu vực cùng lực lượng bộ đội thực hiện, không tốn tiền thuê mướn thầu xây dựng. Những ngày thi công, rất đông vui, tình quân dân thêm gắn bó”. Với sự lãnh đạo của Đảng bộ bộ phận khu vực 5, nhân dân khu vực đoàn kết, đồng thuận cao, tích cực đóng góp, tham gia xây dựng các tuyến hẻm sáng, xanh, sạch đẹp, góp phần hoàn thiện các tiêu chí khu dân cư tiêu biểu.

Tại các địa phương ở ngoại thành, những mô hình làm theo gương Bác gắn với góp phần hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới nở rộ. Theo ông Đàm Ngọc Thoại, Trưởng Khối vận, Chủ tịch UBMTTQVN xã Giai Xuân, các cán bộ trong xã quán triệt học Bác là tận tụy phục vụ nhân dân. Nhằm phục vụ giao thông thông suốt, đi lại dễ dàng, ngoài huy động sức dân tại chỗ, cán bộ xã, ấp nỗ lực vận động sự hỗ trợ của mạnh thường quân ngoài địa phương. Năm 2018, cán bộ xã, ấp đã huy động nhân dân đóng góp hơn 3,6 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần nâng chất xã nông thôn mới. Điển hình, tại xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, nhiều tuyến đường, cầu bê tông được xây dựng. Trong đó, có tuyến đường dọc theo kinh Ông Tường (thuộc ấp Tân Bình) dài 1.500m được bê tông và mở rộng từ 3m trở lên. Ông Nguyễn Văn Bền, 70 tuổi, ở ấp Tân Bình, kể: “Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp tiền mua cát, đá và góp công làm đường. Giờ xe cộ lưu thông nhiều, việc vận chuyển nông sản, đi học, đi làm rất thuận lợi…”.

Cán bộ Hội Nông dân xã Trường Thắng thăm mô hình trồng mãng cầu Thái của anh Nguyễn Văn Hải.

Đến ấp Thới Hiệp 2, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, chúng tôi cũng bắt gặp niềm vui hiện trên gương mặt của nhiều người dân lưu thông trên tuyến đường tráng bê tông vững chắc, dọc lề đường trồng hoa trông rất đẹp mắt. Hai bên đường còn lắp đèn chiếu sáng, cột cờ. Theo đồng chí Mai Thanh Sơn, Trưởng Khối vận, Chủ tịch UBMTTQVN xã Đông Thắng, Ban Thường trực UBMTTQVN xã phối hợp chi bộ, ban nhân dân các ấp Thới Hiệp, Thới Hiệp 1, Thới Hiệp 2, Thới Trung, Đông Mỹ tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện mô hình tuyến đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp”, với chiều dài 9.960m; thay mới 489 cột, lá cờ và lắp 489 đèn chiếu sáng. Tổng chi phí thực hiện mô hình hơn 202 triệu đồng; trong đó, phần lớn do nhân dân đóng góp. Đoàn Trường Đại học Công nghệ - Kỹ thuật Cần Thơ hỗ trợ 16 triệu đồng và cùng cán bộ xã, ấp, nhân dân lắp đặt đèn chiếu sáng. Mô hình góp phần khởi sắc diện mạo xã nông thôn mới, thiết thực phục vụ đời sống nhân dân.

Lo cho dân no ấm

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, nhiều nông dân trong thành phố không ngừng học tập, nghiên cứu, sáng tạo và cần cù lao động sản xuất để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Điển hình như mô hình vận động hội viên áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất do Hội Nông dân xã Nhơn Ái thực hiện, giúp nhiều nông dân tăng thu nhập. Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Ái, có 9 hộ tham gia mô hình, với tổng diện tích sản xuất gần 4ha ở ấp Nhơn Bình A. Trong đó có 1 hộ tưới bằng vòi phun, các hộ còn lại lắp đặt hệ thống ống dẫn nước. Mô hình giúp nông dân chủ động được nguồn nước, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí sản xuất.

Gia đình anh Võ Văn Trí có 9.000m2 vườn trồng vú sữa, chanh, hạnh, sầu riêng. Trước đây, mỗi lần tưới cây, anh vừa phải ngâm mình dưới nước hơn 6 giờ, vừa kéo chiếc ghe nhỏ và dẫn ống phun. Anh Trí kể: “Trong những lần họp, cán bộ xã, ấp tuyên truyền, vận động bà con chí thú làm ăn, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Qua xem báo, đài cũng như những lần Hội Nông dân tổ chức tham quan mô hình hiệu quả, tôi quyết định đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động bằng vòi phun. Qua đó, tiết kiệm công sức, chi phí sản xuất, thu nhập tăng lên khoảng 200 triệu đồng/năm”. Đi đôi với thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân, cán bộ xã, ấp còn tranh thủ giúp nông dân vay vốn, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Ông Lê Văn Được, ở ấp Nhơn Phú kể rằng, nhờ cán bộ ấp giới thiệu vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội mà ông có tiền đầu tư mở rộng chăn nuôi heo, vịt, cá, tổng thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

Không chỉ cùng cán bộ, đảng viên tích cực giúp đỡ, động viên nhân dân chí thú làm ăn, ông Nguyễn Hữu Nữa, Phó Chủ tịch UBMTTQVN phường Hưng Phú, quận Cái Răng  kiêm Bí thư Chi bộ khu vực 11 đã xây dựng mô hình nuôi heo rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Nữa bộc bạch: “Bác Hồ dạy “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, khi phát động phong trào mình phải gương mẫu thực hiện thì mới vận động, thuyết phục được bà con làm theo…”. Nhờ mô hình này, trung bình gia đình ông có thêm khoản thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm.

So với nhiều mô hình, thu nhập của anh Nguyễn Thanh Hải, hội viên nông dân ở ấp Trường Phú, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, chưa phải là cao, nhưng sự kiên trì học hỏi, quyết tâm của anh khiến nhiều hội viên nể phục. Tiếp chúng tôi trong niềm vui một năm làm ăn thuận lợi, đón Tết sung túc, anh Hải phấn khởi cho biết, trái mãng cầu Thái trên thị trường có giá cao, hứa hẹn sẽ đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình anh. Anh Hải chia sẻ: “Tấm gương đạo đức của Bác Hồ thật vĩ đại nhưng lại rất giản dị, gần gũi, ai cũng có thể học tập và làm theo. Trong các cuộc họp, cán bộ xã, ấp vận động bà con làm theo lời Bác dạy là cần cù lao động để làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. Hơn 14.000m2 đất của gia đình tôi là đất lung, trồng lúa thường xuyên thất mùa… Tôi nghĩ muốn thoát khỏi khó khăn thì không có cách nào khác là phải áp dụng mô hình sản xuất mới cho hiệu quả kinh tế cao. Qua tìm hiểu, tôi quyết định lên liếp trồng 950 gốc mãng cầu Thái, 100 gốc cam ruột đỏ. Để lấy ngắn nuôi dài, tôi trồng bầu, mướp quanh bờ và thả 60 ký cá rô…”.

Anh Hải tự nghiên cứu lắp đặt hệ thống tưới tự động. Từ cuối năm 2017 đến nay chỉ tính nguồn thu nhập từ trồng bầu, mướp, anh Hải thu vào hơn 200 triệu đồng/năm. Năm 2018, mãng cầu Thái có trái chiếng, với giá bán 70.000 đồng/kg, anh thu hơn được hơn 20 triệu đồng. Năm nay, với 950 gốc mãng cầu Thái cho trái, hứa hẹn đem lại thu nhập cao. Anh Hải nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm với mong muốn giúp những nông dân khác vươn lên khá giả như mình. Tấm gương nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù lao động của anh Nguyễn Thanh Hải được địa phương biểu dương và khuyến khích nhân rộng.

Bài, ảnh: NGỌC QUYÊN

Chia sẻ bài viết