14/08/2016 - 09:16

Hoạt động tình nguyện mang lại cuộc sống vui khỏe khi về già

Nghiên cứu mới đây của Anh cho thấy tham gia hoạt động tình nguyện không chỉ giúp ích cho xã hội, mà còn tăng cường lợi ích sức khỏe tinh thần và tạo nên cuộc sống an vui cho người trung niên và lớn tuổi.

Trong nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học từng phát hiện tự nguyện giúp đỡ người khác giúp tăng cường sức khỏe thể chất lẫn tinh thần ở người lớn tuổi. Ở nghiên cứu mới, các chuyên gia tập trung tìm hiểu liệu công tác tình nguyện có lợi cho tất cả các nhóm tuổi hay không.

 Quyên góp đồ dùng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: georgetown.edu

Nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học thuộc Đại học Southampton và Đại học Birmingham. Phần dữ liệu được sử dụng là chương trình Khảo sát Hộ gia đình tại Anh (BHPS) chuyên theo dõi xu hướng sức khỏe trong cộng đồng và toàn xã hội. Đây là chương trình khảo sát dài hạn giai đoạn 1991-2008 trên 5.000 hộ gia đình là hình mẫu đại diện cả nước. Người tham gia có độ tuổi từ 15 trở lên và được phỏng vấn mỗi năm nhằm cung cấp dữ liệu khác nhau về cuộc sống chẳng hạn như nghề nghiệp, học vấn, sức khỏe, chi tiêu hộ gia đình và đời sống xã hội. Họ cũng được hỏi về các hoạt động lúc nhàn rỗi, bao gồm tần suất tham gia tình nguyện với 4 mức độ: thường xuyên, thỉnh thoảng, hiếm khi và chưa bao giờ. Ngoài ra, tất cả đều phải trả lời bảng câu hỏi sức khỏe tổng thể (GHQ) gồm 12 câu hỏi nhằm đánh giá mức độ hạnh phúc và sức khỏe tâm thần (bao gồm tình trạng lo âu, trầm cảm). Dựa trên thang điểm từ 0-36, người có chỉ số GHQ càng thấp thì sức khỏe tổng thể càng tốt.

Sau khi phân tích dữ liệu từ 66.343 người (47% là nam giới), các nhà nghiên cứu ghi nhận khoảng 25% số người tham gia khảo sát từ 60-74 tuổi từng tham gia giúp đỡ người khác, nhưng tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 17% ở nhóm có độ tuổi 15-29. Xét về giới tính thì phụ nữ tham gia tình nguyện nhiều hơn nam giới, với tỷ lệ tương ứng là 22% và 19,5%.

 Các tình nguyện viên Canada cung cấp thức ăn cho người vô gia cư.
Ảnh: volunteer.ca

Nhìn chung, nhóm chuyên gia cho biết sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân giảm dần khi tuổi tác gia tăng. Tuy nhiên, điểm số trung bình ở những người thường xuyên giúp đỡ người khác được ghi nhận thấp nhất so với các đối tượng còn lại. Chỉ số GHQ ở những người từng tham gia công tác xã hội cũng tốt hơn (10,7) so với các đối tượng chưa bao giờ làm công ích (11,4). Riêng với nhóm người trong độ tuổi 40-45, những ai từng tham gia tình nguyện được phát hiện có sức khỏe tổng thể tốt hơn những người chưa từng tham gia công tác này. Điều đó có nghĩa hoạt động tình nguyện cũng giúp ích cho sức khỏe của những người trung niên, chứ không riêng gì người già.

Theo giải thích của Tiến sĩ Dimitris Kiosses chuyên về tâm thần lão khoa của trường Y Weill Cornell và bệnh viện NewYork-Presbyterian, thường xuyên làm công tác từ thiện hoặc tham gia chiến dịch tình nguyện mang lại cảm giác là bạn đang giúp đỡ người khác. Tâm trạng tích cực này đồng thời giúp chúng ta cảm thấy hài lòng về bản thân. Đây chính là một trong những lợi ích tâm lý của hoạt động thiện nguyện. Lý giải nguyên nhân nhóm đối tượng trẻ hơn không nhận được lợi ích sức khỏe tinh thần nói trên, các chuyên gia cho rằng đa số các bạn trẻ thường tham gia hoạt động xã hội như một nhiệm vụ, chứ không phải tự nguyện.

Trong báo cáo đăng trên tạp chí y khoa Anh BMJ Open, các nhà khoa học cho rằng việc giúp đỡ cộng đồng là điều kiện mở ra nhiều cơ hội cho các hoạt động lành mạnh khác. Vì vậy, họ khuyến nghị mọi người nên tích cực tham gia hoạt động tình nguyện để mở rộng các mối quan hệ xã hội, cải thiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần và có được một cuộc sống an vui, nhất là những người bắt đầu bước sang tuổi trung niên.

ĐƯỜNG THẤT (Theo NHS, CBS News)

Chia sẻ bài viết