27/12/2021 - 08:30

Hiểu sao cho đúng về biến thể Omicron? 

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng biến thể Omicron không gây ra các ca bệnh nặng như Delta, nhưng trên thực tế, các nước Anh, Mỹ, Ðức và Israel đã ghi nhận những ca tử vong đầu tiên vì biến thể mới này.

Việc Mỹ cấp phép thuốc Paxlovid và Molnupiravir được xem là bước ngoặt trong điều trị COVID-19.

Bệnh nhẹ, theo dữ liệu sơ bộ ban đầu

Kết quả 2 công trình nghiên cứu công bố ngày 23-12 tại Anh cho thấy người mắc COVID-19 do nhiễm Omicron ít có nguy cơ phải nhập viện hơn so với người nhiễm biến thể Delta. Cụ thể, theo nghiên cứu thực hiện tại vùng Scotland, nguy cơ nhập viện do Omicron thấp hơn khoảng 70%, trong khi con số đó tại vùng England là 20-25%.

Cùng thời gian ấy, một nghiên cứu tại Nam Phi cho thấy trong số những người nhiễm biến thể Omicron ở nước này chỉ có 2,5% phải nhập viện điều trị, so với tỷ lệ 12,8% của biến thể Delta.

Nhà dịch tễ học hàng đầu của Úc Tony Blakely cũng nhận định Omicron ít độc lực hơn so với biến thể Delta.

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ghi nhận hầu hết các ca nhiễm biến thể Omicron tại nước này chỉ có triệu chứng tương đối nhẹ như ho, mệt mỏi, nghẹt mũi hay xổ mũi.

Tuy nhiên, các nhà khoa học tỏ ra thận trọng vì Omicron mới xuất hiện vào cuối tháng 11 nên thời gian chưa đủ dài và dữ liệu chưa đủ lớn để lạc quan rằng biến thể này ít nguy hiểm.

Chẳng hạn, Giám đốc Trung tâm ngăn ngừa dịch bệnh châu Phi John Nkengasong cho rằng không nên ngoại suy dữ liệu của Nam Phi về việc bệnh nhân nhiễm Omicron ít nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta cho tất cả các nước. Theo ông, các nước cần phân tích dữ liệu từ Nam Phi một cách thận trọng bởi đây mới chỉ là số liệu trong những ngày đầu tiên biến thể mới xuất hiện và quy mô chỉ mang tính địa phương. Ông Nkengasong cũng cho rằng các yếu tố, trong đó có độ tuổi dân số trẻ của Nam Phi, hay tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19, có thể dẫn tới các kết quả khác nhau.

Trong khi đó, dù Omicron thường được gọi là biến thể siêu lây nhiễm nhưng Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Maria Van Kerkhove vẫn tỏ ra hết sức thận trọng khi nói rằng đến giờ chưa có đủ dữ liệu để khẳng định biến thể này dễ lây nhiễm hơn Delta.

Chủ động ứng phó

Tuần qua, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép sử dụng khẩn cấp thuốc trị COVID-19 của hãng Pfizer mang tên Paxlovid, có khả năng ngăn chặn 89% nguy cơ nhập viện và tử vong. Thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy khả năng kháng virus mạnh mẽ của Paxlovid đối với biến thể Omicron.

FDA đồng thời cũng phê duyệt thuốc Molnupiravir của hãng Merck, có khả năng làm giảm 30% nguy cơ nhập viện và tử vong vì COVID-19. Paxlovid và Molnupiravir được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ quan trọng chống lại biến thể Omicron.

Trong khi đó, các hãng Moderna (Mỹ) và AstraZeneca (Anh) đang đẩy mạnh việc chế tạo vaccine đặc hiệu chống biến thể Omicron. Theo lãnh đạo Moderna, việc phát triển vaccine đặc hiệu chỉ cần một số điều chỉnh nhỏ so với vaccine mRNA-1273 đang lưu hành hiện nay của hãng nên không lâu nữa vaccine mới sẽ ra đời. Cả Moderna và AstraZeneca cũng đều khẳng định tiêm mũi tăng cường vaccine hiện nay của họ có khả năng ngăn chặn biến thể Omicron.

SỐ CA MẮC HÀNG NGÀY Ở PHÁP VƯỢT MỐC 100.000
Số ca nhiễm mới COVID-19 tại Pháp đã lần đầu tiên lên mức 6 con số trong ngày 25-12 khi các quan chức y tế nước này xác nhận 104.611 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Ðây là con số rất cao nếu so với dân số 67 triệu người của Pháp.

QUỐC KHÁNH (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết