27/03/2024 - 10:19

Hiến kế phát triển nông nghiệp thuận thiên tại ĐBSCL 

Tại hội nghị “Huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại ÐBSCL” diễn ra mới đây, các chuyên gia nhận định, những chính sách khuyến khích thu hút đầu tư đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn của vùng ÐBSCL theo hướng thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ÐBSCL đang phải đối mặt với thách thức từ các đập thủy điện thượng nguồn, biến đổi khí hậu, các biện pháp canh tác thâm canh, tăng vụ phá vỡ chế độ ngập lũ tự nhiên, ngăn cản quá trình bồi lắng phù sa và trao đổi nước… Ðể giải quyết các vấn đề cấp bách đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế.

Mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường tại xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ảnh: MỸ THANH

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT):

Tạo cơ chế chính sách để ĐBSCL trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động, đa giá trị

- Các nguồn lực của vùng ÐBSCL cần được chắt chiu trân quý, gợi mở, cần có nguồn lực tốt, giải pháp tốt và những mô hình tốt, có sự cộng hưởng ở từng địa phương, từng nông dân, chủ thể của quá trình nông nghiệp thuận thiên. Bộ NN&PTNT​ kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, tri thức, kinh nghiệm, các công cụ đánh giá, cho chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên. Ðồng thời, phối hợp cùng Chính phủ rà soát các hạng mục ưu tiên đầu tư cho các dự án không hối tiếc thông qua các dự án tại ÐBSCL. Lựa chọn các mô hình, giải pháp thuận thiên và thực hiện thí điểm các mô hình thuận thiên và dự án thuận thiên trong nông nghiệp, chú trọng tới các giải pháp kết hợp hài hòa đồng bộ giữa công trình và phi công trình - thích nghi theo điều kiện tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, giải pháp an sinh xã hội, quản lý bền vững nguồn lực tự nhiên gắn với chuyển đổi số và cải cách thể chế chính sách. Bên cạnh đó tiếp tục tạo cơ chế chính sách để ÐBSCL phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động, đa giá trị, hiệu quả cao, tối ưu hóa các dịch vụ của hệ sinh thái phục vụ cho phát triển kinh tế tương xứng với tiềm năng và vị trí địa chiến lược của vùng…

Bộ cũng đề xuất các đối tác quốc tế quan tâm cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt, tài chính xanh, dễ tiếp cận, đặc thù cho khu vực ÐBSCL, đặc biệt là ưu đãi lãi suất và điều kiện cho vay đối với các Dự án nông nghiệp đầu tư công. Kết nối với các địa phương và doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp thuận thiên, tạo liên kết chuỗi với tổ nhóm nông dân để phát triển sản xuất kinh doanh thông qua việc cung cấp các nguồn tài chính linh hoạt từ các quỹ đầu tư, các thể chế tài chính đa phương và song phương. Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp, doanh nghiệp và tổ nhóm nông dân cùng với triển khai các mô hình thí điểm có tính sáng tạo để phát triển nông nghiệp thuận thiên, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhân rộng cho các tỉnh vùng ÐBSCL.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT:

Huy động đa nguồn lực phát triển nông nghiệp thuận thiên

- Ðể phát triển nhanh và bền vững, ÐBSCL cần cải thiện mạnh mẽ thể chế hợp tác vùng; quy hoạch vùng và thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Ðối với các mô hình nông nghiệp thuận thiên, ÐBSCL cần huy động nhiều nguồn lực từ cơ sở hạ tầng, phương tiện và điều kiện sản xuất, kinh doanh; nguồn lực tài chính; nhân lực; cơ chế chính sách; công nghệ và chuyển đổi số.

Theo đó, các bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung các nguồn lực thực hiện hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng ÐBSCL (chuyển dịch cơ cấu ngành, cơ cấu thành phần kinh tế và cơ cấu lãnh thổ) đáp ứng tình hình mới, nhiệm vụ mới. Ðồng thời, tăng tính sáng tạo, quyết liệt trong xây dựng, triển khai các giải pháp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực và kiến tạo những động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn. Từng bước chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, các tỉnh, thành trong vùng tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển các doanh nghiệp hợp tác xã, công nhân nông nghiệp. Từ nền tảng này sẽ phát triển cộng đồng sản xuất nông sản chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, trên nền tảng tôn tạo, phát triển văn hóa, truyền thống của địa phương…

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau:

Cần cơ chế chính sách đặc thù cho sự phát triển đặc thù của vùng

- Ðể phát triển thuận thiên trước tiên cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học. Hai là xác định các mô hình phát triển bền vững. Ba là tạo lập các cơ chế phối hợp liên tỉnh. Ðây là ba vấn đề được định hướng xuyên suốt trong các chủ trương của Ðảng đối với vùng ÐBSCL.

Trung ương đã có nhiều cơ chế chính sách và đã xác định các lĩnh vực ưu tiên đầu tư cho vùng. Vấn đề là cần ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho sự phát triển hết sức đặc thù của vùng ÐBSCL. Hiện nay để khắc phục sạt lở có các quy định pháp luật liên quan đến việc triển khai các cơ chế đầu tư cho các công trình phòng, chống sạt lở nhưng vẫn còn bất cập, chồng chéo; muốn sửa đổi cần phải có thời gian. Trong khi sạt lở, biến đổi khí hậu không chờ chúng ta ngày nào nên cần có cơ chế đặc thù cho vùng để xử lý, ứng xử kịp thời với các tình huống thiên tai. Về giải pháp phi công trình có rất nhiều hoạt động cần hỗ trợ như triển khai nhân rộng các mô hình thí điểm, đầu tư các hệ thống giám sát hiện đại, thông minh; trao đổi khoa học công nghệ, nâng cao năng suất chế biến, mở rộng thị trường… Ðây là các hoạt động sẽ góp phần giúp cho ÐBSCL phát triển kinh tế, thông qua đó giúp cho ÐBSCL tổ chức sản xuất một cách thuận thiên. Ðể giải quyết các mục tiêu này, chúng tôi cũng đề nghị kêu gọi các tổ chức phi Chính phủ song phương, các tổ chức quốc tế, các quỹ tài chính, các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm hỗ trợ các dự án này. Ở nhóm giải pháp công trình, chúng tôi đề xuất ưu tiên đầu tư cho hệ thống thủy lợi, hạ tầng phát triển thủy sản, đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống đảm bảo nước ngọt cho người dân vùng ÐBSCL, đặc biệt là người dân ở các tỉnh ven biển ÐBSCL như bán đảo Cà Mau.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú:

Cùng nông dân phát triển mô hình tôm lúa thuận tự nhiên

- Chúng tôi đã và đang hợp tác với các địa phương và nông dân xây dựng và phát triển mô hình tôm lúa đạt chứng nhận ASC, BAP, hữu cơ, sinh thái giúp bà con nông dân bán được giá cao hơn so với thị trường. Mô hình tôm lúa là một hình thức canh tác nông nghiệp độc đáo, thuận thiên. Ðặc trưng của mô hình là sự luân phiên giữa hai mùa mưa nước ngọt và mùa khô nước mặn tạo ra điều kiện sinh thái phù hợp cho cả lúa và tôm sinh trưởng. Chu trình luân chuyển qua hai mùa nước, hai môi trường sống đối lập này tạo nên sự cân bằng, tính bền vững cho mô hình tôm - lúa. Mỗi thành phần vừa là đầu ra, lại vừa trở thành đầu vào cho nhau trong một hệ thống sản xuất khép kín, tuần hoàn tối ưu các nguồn lực và dòng vật chất.

Mô hình tôm lúa nếu như triển khai như hiện tại hầu như không cần nhiều vốn vì người nông dân chỉ đầu tư khoản tiền nhỏ mua lúa giống và tôm giống là có thể đạt doanh thu từ 250-500 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, để đạt được doanh thu 1-2,5 tỉ đồng/ha/năm, người nông dân phải liên kết hợp tác lại thành thửa ruộng lớn, cánh đồng tôm lúa lớn. Ðó là nhiều hộ liên kết với nhau lại thành tổ hợp tác và nhiều tổ hợp tác liên kết với nhau thành hợp tác xã kiểu mới. Lúc đó mới cần tiền để đầu tư cơ sở hạ tầng như kênh cấp nước, kênh thoát nước và đường giao thông nội bộ để cơ giới hóa trong khâu giống, thu hoạch để giảm chi phí đồng thời tăng năng suất, tăng sản lượng. Nếu cả hệ thống chính trị và xã hội vào cuộc vận động người nông dân liên kết hợp tác thành tổ hợp tác, nhiều tổ hợp tác thành hợp tác xã kiểu mới thì doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng lên đến 10 lần.

MINH HUYỀN - MỸ THANH

Chia sẻ bài viết