04/09/2017 - 17:52

Hiểm họa từ cồn nước 

Sự việc 11 người bị bỏng khi ăn tiệc cưới tại xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ vào cuối tháng 8 vừa qua, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong việc sử dụng cồn nước… ở các đám tiệc, quán ăn, nhà hàng.

Nhiều di chứng do bỏng

Trưa ngày 28-8-2017, tại đám cưới ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, một bàn tiệc đang ăn món tôm nướng thì bếp hết cồn, nên mọi người gọi phục vụ đổ thêm cồn vào bếp. Nhân viên phục vụ cầm bếp cồn lên kiểm tra, sau đó, châm cồn nước vào (can cồn khoảng 5 lít) thì lửa phựt lên, nổ.

Do hoảng hốt, theo phản xạ, nhân viên quăng can cồn ra bàn, lửa bùng cháy và lan ra các bàn xung quanh. Nhiều người bị cháy quần áo, tinh thần hoảng loạn… trong đó 11 người đã phải nhập viện Bệnh viện (BV) Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Hai anh em ruột cùng bị bỏng cồn trong đám cưới tại huyện Phong Điền. Ảnh: H.HOA

Đến nay, 8/11 nạn nhân bị phỏng do nhân viên phục vụ bất cẩn trong châm cồn vào bếp tại bữa tiệc vẫn đang nằm viện điều trị. Trong đó 7 người điều trị tại Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Bà Kim Cúc, khách dự đám cưới, bàng hoàng kể lại: “Tôi là người xui xẻo nhất. Tôi đi ngang bàn tiệc để về thì đột ngột bị can chứa cồn đang cháy văng trúng người. Da thịt bốc cháy, người tôi như ngọn lửa.

Người dự tiệc chạy tán loạn. Tôi cắm đầu chạy tìm nước dội lên người, rồi chịu trận cơn đau từ xã Trường Long đến BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ”. Bà Cúc bị bỏng toàn bộ cánh tay trái, bụng và chân phải… Trong đó, nhiều chỗ bị bỏng sâu. Con gái bà đang làm ở Bình Dương phải nghỉ, về chăm sóc mẹ.

Theo bác sĩ Tần Ngọc Sơn, Trưởng khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, các cán bộ y tế đang tích cực theo dõi một trường hợp nặng (bệnh nhân P., nhân viên phục vụ châm cồn bị bỏng 47% cơ thể, từ ngực xuống chân-PV).

Bệnh nhân này diễn tiến khá tốt, tỉnh táo, ăn uống được nhưng tổn thương rộng, sâu nên cần theo dõi. Qua theo dõi điều trị, tiên lượng có 2 ca phải ghép da vì bỏng sâu, rộng.

“Khi bị bỏng, thời gian điều trị thường kéo dài. Ca độ II, điều trị tốt, bệnh nhân đáp ứng tốt, bỏng nông hơn, thì khoảng 1-2 tuần, độ III trở lên thường 3-4 tuần, thậm chí 5-6 tuần vì cắt lọc mô hoại tử, chờ ghép da, chăm sóc ghép da...”- bác sĩ Sơn nói.

Theo các bác sĩ, mỗi bệnh nhân bị bỏng nằm viện cần đến 2-3 điều dưỡng thay băng hằng ngày và 1 bác sĩ phụ trách, theo dõi các tổn thương và cho y lệnh, thuốc...

Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ phải huy động hết điều dưỡng để chăm sóc và thay băng đồng loạt cho bệnh nhân. Khi bệnh nhân bỏng độ IIIb trở lên, diện rộng, sâu thì phải ghép da.

Trước khi ghép, cắt, lọc mô hoại tử, chăm sóc vùng cắt lọc lên mô hạt, rồi ghép da (thường dùng da đùi, cẳng chân để ghép). Sau khi lấy da, vùng lấy da tổn thương tương đương bỏng độ II, lành sau khoảng 1- 2 tuần…

Một cuộc mổ ghép da phải huy động 2-3 bác sĩ, thậm chí nhiều hơn.  Sau ca ghép da, nếu ở phần mềm không để lại di chứng, bệnh nhân sinh hoạt, làm việc bình thường, còn tổn thương vùng vận động như: bỏng ngay vùng khuỷu, kheo thì khó khăn hơn, phải xoay vạt da, ghép da có cuống mạch. Sau điều trị, có thể ảnh hưởng đến chức năng lao động, sinh hoạt.

Thời gian qua, Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ thường tiếp nhận các ca bỏng do cồn, bếp gas mini... Trong đó có cả các ca bỏng cồn khô (hay còn gọi là cồn thạch). Tuy nhiên, ca bỏng cồn khô ít và nhẹ hơn so với cồn nước.

Ngoài vết bỏng, nạn nhân còn gặp các chấn thương khác kèm theo như gãy tay, chân, trật khớp, chấn thương vùng kín do hoảng loạn nên chạy giẫm đạp lên nhau. Khi nạn nhân bị bỏng trên 70% cơ thể, tiên lượng sống rất “dè dặt”.

Hiểm họa từ sự bất cẩn

Có thể thấy những hiểm họa khôn lường từ sử dụng cồn nước, nhưng làm sao để quản lý việc mua- bán trên thị trường là bài toán đau đầu cho các ngành chức năng. Khảo sát một vòng các tiệm tạp hóa, đồ gia dụng các chợ ở quận Ninh Kiều, phần lớn chỉ bán cồn khô loại màu trắng hoặc cồn thạch (màu xanh, dẻo).

Người dân thường mua cồn thạch sử dụng trong các buổi tiệc gia đình, bởi cồn thạch cháy lâu tắt. Giá cồn thạch khoảng 4.000-5.500 đồng/cục, tùy số lượng mua. Cồn khô trắng khoảng 20.000 đồng/kg. Riêng cồn nước, ở những điểm khảo sát của phóng viên (PV) không có điểm nào bán loại này.

Theo chỉ dẫn của một tiểu thương, PV tìm mua cồn nước ở các điểm bán hóa chất với giá 25.000 đồng/lít.

Chị T. chủ cửa hàng hóa chất ở phường Tân An, quận Ninh Kiều, cho biết: “Thường người dân đến mua, họ mua cồn khô vì an toàn hơn. Cồn nước đa phần bán cho các quán ăn, nhà hàng”.

Anh N.Q.B, đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều cho biết: “Các quán chuộng sử dụng cồn, bếp gas mini nhiều hơn bếp than vì tiện lợi, nhanh và rẻ. Trong đó, cồn nước được nhiều quán nhậu chọn để phục vụ khách ăn lẩu vì rẻ hơn cồn thạch.

Họ thường cho cồn vào chai nhựa, có vòi châm cồn vào bếp. Nhiều nhân viên phục vụ do bất cẩn, chủ quan, dùng quẹt gas mồi lửa, nên rất nguy hiểm”. Thậm chí có người còn dùng cồn nước để nướng mực, khô, các món chiên xào…

Điều này rất nguy hiểm. Khi lửa cháy lan khỏi bếp, phản ứng đầu tiên của người châm cồn là giật mình, hoảng loạn nên có thể làm cồn văng tung tóe sang người trên bàn tiệc, người bên cạnh. Không ít người chỉ vì đứng gần, đi ngang bị “tai bay vạ gió”  như trường hợp của bà Kim Cúc ở Phong Điền vừa qua.

Để tránh những chuyện đáng tiếc xảy ra, các công ty sản xuất cồn và các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên chọn bếp cồn được làm từ chất liệu hạn chế hoen rỉ và phải có cần gạt điều chỉnh mức lửa, khay chứa cồn tuyệt đối không được rò rỉ.

Chỉ sử dụng cồn thạch, cồn nước có nhãn mác nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nếu đốt bị cay mắt, cần ngừng sử dụng và thay loại khác. Phải dùng kẹp để gắp cồn vào bếp, phải tắt bếp trước khi thêm cồn và không nên châm 2 cục cồn 1 lúc. Nên sử dụng quẹt châm cồn có đầu bắn dài, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. 

H.HOA

Theo bác sĩ Tần Ngọc Sơn, khi xảy ra bỏng cồn, cần đưa nạn nhân khỏi chỗ cháy, dập lửa trên người nạn nhân, cho nước hoặc ngâm vào nước giảm độ nóng vùng tổn thương, giảm đau, giảm độ sâu của vùng bỏng. Sau đó, đưa đến trạm y tế gần nhất để sơ cứu ban đầu. Trạm y tế sẽ rửa vùng tổn thương, đắp gạc băng lại, ủ ấm, truyền dịch, chích hoặc cho uống thuốc giảm đau. Nếu không truyền dịch được, có thể cho uống trà đường, nước để bù điện giải, sau đó chuyển đến bệnh viện gần nhất.

Chia sẻ bài viết