MINH TÂM (TTXVN)
Tai nạn giao thông là một trong những thảm họa gây mất mát lớn về người và tài sản, đồng thời để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia.
Theo Báo cáo Thực trạng An toàn giao thông đường bộ toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tháng 6 vừa qua, mỗi năm có khoảng 1,3 triệu người tử vong và từ 20 triệu - 50 triệu người bị thương nặng vì tai nạn giao thông đường bộ. Thương tích do tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu cướp đi sinh mạng của trẻ em và những người từ 5-29 tuổi. Hơn 50% số ca tử vong là những người dễ bị tổn thương nhất khi tham gia giao thông gồm người đi bộ, người đi xe đạp và người điều khiển xe gắn máy. 93% số ca tử vong trên thế giới xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, mặc dù các nước này chỉ chiếm khoảng 60% phương tiện trên toàn cầu. Ngoài ra, tai nạn giao thông đường bộ khiến hầu hết các quốc gia thiệt hại 3%-5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Theo WHO, khoảng 73% tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ là các nam thanh niên dưới 25 tuổi, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ tử vong ở nữ. Yếu tố này có thể xuất phát từ nguyên nhân phóng nhanh, vượt ẩu và điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng các chất kích thích như bia rượu… Tốc độ trung bình tăng có liên quan trực tiếp đến khả năng xảy ra va chạm và mức độ nghiêm trọng của hậu quả va chạm. Cứ tăng 1% tốc độ trung bình sẽ làm tăng 4% nguy cơ va chạm chết người và 3% nguy cơ va chạm nghiêm trọng.
Giảng viên John Rennie Short tại Trường Chính sách công thuộc Đại học Maryland của Mỹ nhấn mạnh trong hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã cướp đi mạng sống của trên 6,5 triệu người, riêng ở Mỹ là hơn 1 triệu người. Tuy nhiên, một “đại dịch toàn cầu” khác đã xảy ra dai dẳng từ rất lâu, gây số ca tử vong và thương tích cao, là tai nạn giao thông. Trên thế giới, cứ 25 giây lại có 1 sinh mạng bị cướp đi vì nguyên nhân này. Một nghiên cứu năm 2019 ước tính trong giai đoạn 2015-2030, thương tích do tai nạn giao thông đường bộ sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu gần 1.800 tỉ USD. Quỹ An toàn đường bộ của LHQ đã gọi tai nạn giao thông đường bộ là “đại dịch âm thầm trên những bánh xe”.
Trước thực tế đáng lo ngại này, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ) nhấn mạnh: “An toàn đường bộ cần trở thành ưu tiên phát triển và ưu tiên sức khỏe cộng đồng khẩn cấp”. Tháng 9-2020, ĐHĐ LHQ đã thông qua nghị quyết “Cải thiện an toàn giao thông đường bộ toàn cầu”, công bố kế hoạch cho Thập niên hành động vì an toàn đường bộ 2021-2030, với mục tiêu giảm 50% số ca tử vong và thương tích toàn cầu vì tai nạn giao thông đường bộ từ nay đến năm 2030.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nêu rõ các vụ tử vong do tai nạn giao thông có liên quan chặt chẽ tới cơ sở hạ tầng yếu kém, quá trình đô thị hóa không theo kế hoạch, hệ thống chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội lỏng lẻo, hiểu biết về an toàn đường bộ còn hạn chế và sự bất bình đẳng dai dẳng cả trong và giữa các quốc gia. Đồng thời, những con đường không an toàn là một trở ngại chính cho sự phát triển.
Năm nay, ĐHĐ LHQ đã chọn chủ đề “Công lý” cho Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông, được tổ chức vào Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11, nhằm kêu gọi tuân thủ nghiêm luật giao thông, điều tra kỹ lưỡng sau các vụ va chạm để xét xử nghiêm minh, ngăn ngừa tái diễn, truy tố đúng người đúng tội và đảm bảo bồi thường dân sự theo đúng pháp luật.
Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ tai nạn giao thông tại các nước, nhất là các nước đang phát triển, vẫn ở mức cao. Thực thi luật còn lỏng lẻo, các chế tài xử phạt chưa nghiêm, buông lỏng quản lý trong khâu cấp bằng lái xe, tình trạng làm giả giấy phép lái xe, hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông chưa đạt hiệu quả cao cộng thêm hệ thống đường sá xuống cấp, phương tiện chở quá tải hoặc quá niên hạn sử dụng.
Tại Hội nghị cấp cao lần đầu tiên của ĐHĐ LHQ về an toàn đường bộ vào tháng 7 năm nay, Tổng Thư ký LHQ Guterres khuyến nghị các nước triển khai ngay các biện pháp mạnh nhằm giải quyết những nguy cơ khác gây mất an toàn giao thông như sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện, không thắt dây an toàn, không đội mũ bảo hiểm,....Tổng Thư ký LHQ cũng nhấn mạnh cần lồng ghép an toàn giao thông vào các chính sách quốc gia và tăng cường tài chính cho hạ tầng giao thông; thực hiện di chuyển sạch hơn và quy hoạch đô thị xanh hơn.
Với chủ đề trọng tâm là thực thi pháp luật về an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông an toàn, năm 2022 là năm thứ 11 Việt Nam cùng thế giới tổ chức các hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông. Đây là cơ hội để mỗi chúng ta nhắn nhủ tới chính mình, người thân, bạn bè về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2021/NĐ-CP , theo đó từ ngày 1-1-2022, nhiều lỗi vi phạm giao thông sẽ bị xử lý nghiêm với mức phạt cao gấp nhiều lần.
“Chúng tôi không mong muốn tưởng nhớ thêm nhiều người mất mạng. Chúng tôi muốn cùng nhau sống trên cuộc đời này” là thông điệp mạnh mẽ nhân Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, để mỗi hành trình của bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu đều là những hành trình bình an, bởi an toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người.