05/03/2013 - 21:58

Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

(CT)- Ngày 5-3-2013, ông Lê Văn Thưởng, Trưởng Ban đại diện Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) TP Cần Thơ chủ trì Hội nghị góp ý kiến của chức việc, giáo lý viên và tín đồ PGHH trên địa bàn thành phố về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992.

Các đại biểu tham dự Hội nghị thống nhất cao với DTSĐHP năm 1992. Các ý kiến đóng góp xoay quanh các nội dung như: Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản; Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân… Ông Lê Văn Thưởng và Giáo lý viên Võ Văn Tát thống nhất cao với quy định tại Điều 4 Dự thảo về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài ra, ông Võ Văn Tát cũng có ý kiến đóng góp tại Điều 7; Điều 17; Điều 22 Dự thảo… Tại khoản 2 Điều 17 Dự thảo, ông Tát kiến nghị bổ sung thêm hai từ “tôn giáo”, cụ thể quy định như: “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và tôn giáo”. Giáo lý viên Võ Thị Tám kiến nghị nên bổ sung thêm cụm từ “ép buộc” vào quy định tại khoản 3 Điều 25 Dự thảo, như sau: “Không ai được xâm phạm, ép buộc tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín nhiệm, tôn giáo để vi phạm pháp luật”…

Các ý kiến đóng góp của đại biểu sẽ được Ban đại diện PGHH thành phố ghi nhận, tổng hợp và báo cáo gởi về Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố theo quy định.

* Chiều cùng ngày, Ban Thường vụ Thành đoàn Cần Thơ tổ chức, hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tham dự có các đồng chí cán bộ Đoàn Thành đoàn và 22 đơn vị trực thuộc Thành đoàn.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đóng góp xoay quanh các Điều 13, Điều 21, Điều 34 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo đó, khoản 3 Điều 13 nên bổ sung thêm tên tác giả của bài “Tiến quân ca” để xác định cụ thể bài hát; bổ sung thêm cụm từ “theo quy định của Hiến pháp và pháp luật” vào Điều 21; mọi người có quyền tự do kinh doanh nhưng phải theo khuôn khổ của pháp luật nên cần bổ sung thêm cụm từ “theo quy định của pháp luật” hoặc “những ngành nghề không trái quy định pháp luật” vào khoản 1 Điều 34. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thống nhất cao về việc cần giữ lại Điều 66 trong Hiến pháp năm 1992.

CHẤN HƯNG-N.D

Chia sẻ bài viết