Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm qua đã bắt đầu chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ 2 ngày để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, bất chấp hai nước láng giềng thường được coi là cặp đối thủ cạnh tranh gay gắt nhằm giành ảnh hưởng tại khu vực cũng như có những bất đồng sâu sắc về cuộc chiến tại Syrie.
Đây là chuyến thăm cấp tổng thống đầu tiên của Iran đến nước láng giềng trong 18 năm qua. Quan hệ này trở nên lạnh nhạt trong những năm gần đây do sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa hai cường quốc khu vực theo hai dòng Hồi giáo khác nhau. Cuộc nội chiến tại Syrie cũng khiến "sóng gió" trong quan hệ hai nước thêm rõ rệt khi Tehran và Ankara ủng hộ hai phe đối nghịch nhau. Iran theo dòng Hồi giáo Shiite, trở thành hậu thuẫn lớn cho Tổng thống Syrie Bashar al-Assad. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ với đa số người theo Hồi giáo Sunni đã thay đổi quan điểm từ nỗ lực kêu gọi cải cách tại Syrie sang công khai ủng hộ lực lượng đối lập. Ngoài ra, hai nước còn tranh nhau giành ảnh hưởng tại Iraq, Trung Á và vùng Kavkaz.
Ngay cả trong các lĩnh vực được cho họ có thể hợp tác với nhau như chống phong trào ly khai của người Kurd thì hai bên cũng thường "ném đá" lẫn nhau. Thay vì chung sức, hai chính phủ lại tài trợ cho lực lượng nổi dậy người Kurd trong nước đối thủ suốt nhiều năm qua. Hồi năm 2012, Ankara cáo buộc hơn 100 điệp viên Iran đang hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hỗ trợ cho đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang đòi quyền tự trị.
Tuy nhiên, bất chấp những căng thẳng, hai nước có nhiều lý do để cùng hợp tác vì lợi ích của mỗi nước. Cả hai đều quan ngại về sự gia tăng của lực lượng cực đoan tại khu vực biên giới và cần duy trì mối quan hệ năng lượng, thương mại tương hỗ lẫn nhau. Thổ Nhĩ Kỳ là nước phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu và khí đốt từ Iran, trong khi phương Tây dự kiến tiếp tục nới lỏng chính sách cấm vận chống Tehran nếu thỏa thuận hạt nhân mới kịp hoàn thành vào tháng 7 tới. Điểm đáng chú ý là Tổng thống Rouhani và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ đồng chủ trì cuộc họp đầu tiên của Hội đồng hợp tác chiến lược cấp cao giữa hai nước, đồng thời ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác nhằm thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên hơn gấp hai lần, đạt mức 30 tỉ USD vào năm 2015.
Tổng thống Rouhani tuyên bố Iran và Thổ Nhĩ Kỳ có cùng "vị thế địa chính trị" tại Trung Đông và nhấn mạnh việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước láng giềng "có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của toàn khu vực". Tuy nhiên, dư luận đang theo dõi xem ông Rouhani có giúp gỡ rối "nút thắt" quan hệ từ chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của cựu Tổng thống Hashemi Rafsanjani năm 1996 hay không. Thời ấy, ông Rafsanjani đã từ chối thăm lăng mộ nhà lập quốc của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại Mustafa Kemal Ataturk khiến Ankara bị "bẽ mặt".
THUẬN HẢI
(Theo AFP, Reuters, Press TV)