17/04/2019 - 08:15

Giải pháp canh tác lúa thích ứng xâm nhập mặn tại ĐBSCL 

Là vựa lúa lớn nhất của cả nước, hằng năm, ĐBSCL cung cấp trên 50% sản lượng gạo quốc gia, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây, 40% lượng thủy sản đánh bắt và hơn 74% lượng thủy sản nuôi của cả nước. Kết quả này đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới, góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu (BĐKH), xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng, ảnh hưởng đến sản xuất, năng suất lúa. Giải pháp canh tác lúa thích ứng xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL đang được các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương nỗ lực thực hiện.

Mô hình cánh đồng lớn tại TP Cần Thơ sử dụng máy cấy và cơ giới hóa các khâu khác trong sản xuất. Ảnh: HÀ VĂN

Mô hình cánh đồng lớn tại TP Cần Thơ sử dụng máy cấy và cơ giới hóa các khâu khác trong sản xuất. Ảnh: HÀ VĂN

 

TÁC ĐỘNG XÂM NHẬP MẶN

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), vùng chuyên canh lúa trọng điểm ở ĐBSCL tập trung ở 30 huyện thuộc 8 tỉnh, thành vùng ĐBSCL là: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang và Long An. Đây được xem như vựa lúa của đồng bằng và của cả nước, vì sản lượng lúa của các huyện này chiếm 50% tổng sản lượng lúa của ĐBSCL, đóng góp 75% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: “Đối với vùng này, Nhà nước cần đầu tư thích đáng để hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sau thu hoạch, chế biến, thương mại, đạt cơ giới hóa 100%, đạt sản xuất theo phương thức tập thể, liên kết, liên doanh 100%, áp dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong chuỗi giá trị. Việc đầu tư này nhằm nâng cao hiệu quả canh tác, sản xuất bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái”.

Ở 30 huyện thuộc các tỉnh, thành nêu trên, ngoài sản xuất 2 vụ lúa là chính, tùy theo tình hình cụ thể có thể sản xuất thêm 1 vụ cây trồng ngắn ngày (2 lúa luân canh rau màu, đậu) hoặc lúa vụ 3 (3 vụ lúa/năm)... Cơ cấu 2 vụ lúa luân canh cây ngắn ngày được khuyến khích, cơ cấu 3 vụ lúa chỉ canh tác ở những nơi ăn chắc, khi nào lúa có giá tốt và luân phiên cắt vụ ba để lấy phù sa. Diện tích đất lúa vùng chuyên canh trọng điểm được giữ ổn định hàng chục đến hàng trăm ngàn héc-ta ở mỗi địa phương. Đây là vùng chủ yếu chuyên trồng giống lúa thơm cao sản và lúa chất lượng cao của cả nước. Tuy nhiên, do tác động của BĐKH, nước biển dâng, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng đã ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả sản xuất…

Sóc Trăng có diện tích đất nông nghiệp 276.429ha, chiếm 83,78% diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó đất trồng lúa 147.681ha, với cơ cấu sản xuất 2-3 vụ/năm theo từng vùng sinh thái. Qua đó, diện tích gieo trồng lúa hằng năm bình quân của tỉnh tương đương 355.000ha, trong đó diện tích canh tác lúa 3 vụ chiếm 17,5%, sản lượng bình quân hằng năm đạt khoảng 2,25 triệu tấn. Trong những năm gần đây, BĐKH đã tác động mạnh mẽ gây hậu quả xấu đến sản xuất và đời sống của người dân ở tỉnh Sóc Trăng. Tính riêng vụ đông xuân 2015-2016, Sóc Trăng đã có hơn 19.430ha lúa bị thiệt hại do khô hạn và xâm nhập mặn, với hơn 12.620ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó mức độ thiệt hại lên đến trên 70% là 6.737ha và nhiều đợt triều cường khác gây tràn, sạt lở và vỡ đê ở các vùng ven sông, ven biển ngày càng nặng nề hơn… Ông Võ Quốc Trung, Trưởng Phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Lúa gạo là đối tượng sản xuất chủ yếu đứng hàng thứ 2 của tỉnh sau ngành hàng thủy sản (tôm nước lợ). Những tác động BĐKH diễn ra và dự báo sắp tới, tỉnh Sóc Trăng cũng như các địa phương trong khu vực ĐBSCL rất mong các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, hỗ trợ những giải pháp, ứng dụng cụ thể nhằm chủ động ứng phó với những tác động trên”.

THÍCH ỨNG VỚI XÂM NHẬP MẶN

  Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, khẳng định: “Hiện đại hóa và công nghiệp hóa trong trồng lúa là mục tiêu cần đạt cho sản xuất và tiêu thụ lúa trong thời gian tới. Với mức thâm canh 3 vụ lúa đạt năng suất, chất lượng cao tại ĐBSCL phải tính đến sự bền vững của sản xuất, trong đó yếu tố thời vụ và giống lúa là những điều kiện cần phải tập trung chuyển đổi. Đặc biệt, việc bố trí cơ cấu giống phải hợp lý giữa đặc tính sinh học và chất lượng của giống lúa nhằm cân bằng sinh học, cân bằng trong tiêu thụ lúa gạo hàng hóa. Các bước cần đạt tiếp theo là phải tập trung cho công tác cơ giới hóa cùng với ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu của quy trình sản xuất lúa, đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi tồn trữ lúa gạo với năng lực từ 1-2 triệu tấn lúa gạo/vụ vừa góp phần giữ được phẩm chất lúa gạo vừa  làm giảm những rủi ro về sự suy giảm giá, gia tăng lợi nhuận cho người sản xuất và tăng lợi thế, tăng nguồn thu từ xuất khẩu gạo…”.

Cục Trồng trọt khẳng định, ngành hàng lúa gạo ĐBSCL tiếp tục phát huy những lợi thế sẵn có, duy trì vị thế chiến lược trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh việc đáp ứng thị trường trong nước, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo theo hướng tăng giá trị và phát triển vững bền. Sản xuất lúa gạo không chỉ đảm bảo an ninh lương thực về mặt lượng mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH.

Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, để đảm bảo an ninh lương thực đến năm 2030 diện tích đất lúa cả nước tối thiểu cần giữ là 3,2 triệu héc-ta với diện tích gieo trồng 6 triệu héc-ta và năng suất bình quân khoảng 6 tấn/ha/vụ. Trong đó, phần lớn diện tích canh tác tập trung chủ yếu tại ĐBSCL. Để đạt kết quả này, giải pháp xác định cơ cấu mùa vụ lúa phù hợp, thích ứng BĐKH vùng ĐBSCL; xác định cơ cấu giống lúa phù hợp; thực hiện một số giải pháp hỗ trợ sắp xếp mùa vụ, như: công tác thủy lợi, hỗ trợ sản xuất từ chương trình khuyến nông, dự báo của ngành bảo vệ thực vật, ứng dụng cơ giới hóa và bảo quản, tiêu thụ trong quá trình sản xuất là quan trọng và cần thiết.

Mới đây, tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp về Biện pháp canh tác lúa thích ứng xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL, các nhà khoa học, diễn giả đưa ra tiêu chuẩn canh tác lúa thích ứng với xâm nhập mặn, BĐKH tại vùng ĐBSCL là cần xác định được cơ cấu mùa vụ sản xuất phù hợp, thích ứng BĐKH, trong đó cơ cấu giống lúa nên được hoạch định theo định hướng từng vùng, như: cơ cấu giống lúa cho vùng chịu mặn, giống lúa cho các tiểu vùng sinh thái, cơ cấu gống lúa chịu phèn mặn… Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng quan tâm công tác thủy lợi, nâng cao cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất lúa, ứng dụng cơ giới hóa, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất…

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết