Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, 2 tuần gần đây, rất đông người dân đi tiêm phòng vaccine cúm. Năm 2024, trung bình mỗi ngày CDC Cần Thơ tiêm vaccine phòng cúm cho 30 trường hợp thì 2 tuần nay tăng lên 300-400 trường hợp mỗi ngày.
![Đổ xô đi tiêm vaccine cúm](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250215/images/TIEM%20CUM.webp)
Đông đảo người tiêm vaccine, trong đó chủ yếu tiêm vaccine phòng cúm tại CDC TP Cần Thơ.
Chị Ðỗ Thị Ngọc Huệ ở phường An Bình, quận Ninh Kiều đưa mẹ đi tiêm ngừa cúm tại CDC TP Cần Thơ, kể: Ðọc thông tin trên mạng, bệnh cúm gia tăng. Con trai tôi làm ở TP Hồ Chí Minh ngày nào cũng nhắn tin kêu đi tiêm. Lo lắng quá nên cả nhà tôi đi tiêm ngừa cúm.
Theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ điểm tiêm ngừa cúm ở CDC TP Cần Thơ mà các điểm tiêm khác đều rất đông.
Các cơ quan y tế khuyến cáo người dân chủ động tiêm vaccine phòng cúm. Ở Việt Nam có thể tiêm phòng bất cứ lúc nào do cúm lưu hành quanh năm, nhưng tốt nhất nên tiêm trước 2 tuần khi dự báo cao điểm dịch bệnh. Ngoài ra, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, tránh tụ tập đông người và chú trọng vệ sinh cá nhân là vô cùng cần thiết để hạn chế lây lan.
Bệnh cúm mùa xảy ra hằng năm. Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2024 cả nước có 289.876 ca, trong đó tử vong 8 ca, tăng 3 ca so với năm 2023. Dự báo, năm 2025, bệnh cúm mùa tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy hiểm và có xu hướng gia tăng ở cả Việt Nam và một số nước trong khu vực. Thông tin từ Bộ Y tế, số trường hợp mắc bệnh cúm trong nước có gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong dịp Tết Nguyên đán năm 2025. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 1.000 ca mắc bệnh cúm, trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Các tác nhân chủ yếu gây bệnh cúm tại Việt Nam hiện là các chủng virus cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Chưa ghi nhận sự biến đổi nào về độc lực của virus cúm. Mặc dù vậy, hiện đang là mùa đông - xuân, thời tiết lạnh, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc, là điều kiện thuận lợi để virus cúm phát triển và
bùng phát.
Tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, bác sĩ CK II Trương Cẩm Trinh, Trưởng Khoa Khám bệnh cho biết: Bệnh viện chưa có thống kê cụ thể tình hình bệnh cúm A. Tuy nhiên, triệu chứng cúm A giống như nhiễm khuẩn do hô hấp khác. Thống kê từ đầu năm 2025 đến nay, ghi nhận số ca nhiễm khuẩn hô hấp cấp không tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên tỷ lệ trẻ nhập viện tăng gần 67%.
Triệu chứng nhiễm cúm A giống như nhiễm khuẩn hô hấp cấp khác, đường lây truyền qua đường hô hấp, dễ gây thành dịch. Cúm A có 4 chủng virus: A, B, C, D. Tại Việt Nam, thường gặp là A và B. Triệu chứng nhiễm cúm A: sốt, lạnh run, ho, đau họng, viêm long đường hô hấp, đau nhức mình mẩy, đau cơ, một số biểu hiện như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn...
Cũng theo bác sĩ Trương Cẩm Trinh, cúm A là dạng nhiễm khuẩn hô cấp do virus nên đa số trẻ khỏi bệnh từ ngày thứ 5 đến ngày 7 của bệnh. Tuy nhiên, một số trẻ nhỏ (nhất là trẻ dưới 2 tháng tuổi), mắc bệnh lý mạn tính như viêm phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu, suy dinh dưỡng... có thể chuyển nặng và gặp những biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm não, viêm cơ tim...
Khi trẻ có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi... cần đưa trẻ đi khám, để bác sĩ chẩn đoán và điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, khi trẻ có biểu hiện: sốt cao liên tục trên 39 độ, uống thuốc hạ sốt không giảm; thở nhanh; nhịp thở bất thường; tím chi, lạnh chi, suy hô hấp; lừ đừ, bứt rứt, nôn ói nhiều... cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
Bác sĩ CK II Hà Tấn Vinh, Phó Giám đốc CDC TP Cần Thơ khuyến cáo: Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vaccine, tiêm hằng năm, tiêm đối tượng nguy cơ như trẻ miễn dịch chưa đầy đủ, miễn dịch suy giảm ví dụ như trẻ dưới 5 tuổi, người già, bệnh mãn tính, bệnh suy giảm miễn dịch, chuẩn bị mang thai... Ngoài ra, áp dụng biện pháp cơ bản như mang khẩu trang, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, vệ sinh mũi họng, giữ ấm, dinh dưỡng, cho trẻ uống nhiều nước,
nghỉ ngơi...
Bài, ảnh: H.Hoa