Lúa vụ đông xuân 2024-2025 tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL đã bắt đầu bước vào thu hoạch. Đông xuân là vụ lúa quan trọng nhất trong năm, nông dân luôn kỳ vọng có thể đạt được mức lợi nhuận cao. Tuy nhiên, năm nay giá lúa bất ngờ giảm mạnh so với cùng kỳ khiến cho nhiều nông dân gặp khó...
Giá lúa giảm mạnh
Trong những tuần trước Tết Nguyên đán 2025, giá nhiều loại lúa đã liên tục giảm mạnh so với hồi tháng 11 và 12-2024. Theo đó, nhiều loại lúa thơm dự kiến được thu hoạch sau Tết như Đài Thơm 8, OM 18… được nông dân lấy tiền đặt cọc chỉ ở mức trên dưới 6.200 đồng/kg. Những ngày sau Tết (từ khoảng mùng 7 đến mùng 9 Tết) giá lúa có tăng nhẹ khoảng 100-200 đồng/kg so với trước Tết, nhưng nhìn chung vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ vụ đông xuân 2023-2024.
![Giá lúa giảm, nông dân gặp khó!](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250210/images/8-1.webp)
Thu hoạch lúa đông xuân 2024-2025 tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ.
Anh Nguyễn Văn Hiền ở ấp 8, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: "Vụ đông xuân trước, tôi bán lúa tươi Đài Thơm 8 được giá lên đến 8.200 đồng/kg nhưng vụ này giá lúa giảm chỉ còn ở mức 6.200 đồng/kg. 28 công lúa sạ giống lúa Đài Thơm 8 của gia đình tôi đã được thu hoạch vào ngày mùng 9 Tết vừa qua, với năng suất đạt 920kg lúa tươi/công (công tầm lớn 1.300m2). So với vụ lúa năm trước, năng suất và giá bán lúa đều đạt thấp nên khó có lời nhiều". Theo ông Nguyễn Danh Dũng ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, hiện một số diện tích lúa vụ đông xuân tại địa phương đã bắt đầu bước vào thu hoạch, với năng suất đạt khá cao, lên đến 1-1,1 tấn/công tầm lớn. Tuy nhiên, bà con kém vui vì giá lúa giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Một số ruộng lúa Đài Thơm 8 đang thu hoạch đã được nông dân lấy tiền cọc bán lúa tươi cho thương lái từ trước Tết Nguyên đán 2025 giá chỉ 6.200 đồng/kg, trong khi vụ đông xuân năm trước nhiều nông dân bán được giá 8.500 đồng/kg, thậm chí cao hơn. Qua Tết giá lúa có tăng nhẹ nhưng vẫn còn ở mức thấp, với những ruộng lúa dự kiến được thu hoạch trong một vài tuần tới, đang được nông dân tại địa phương bán cho thương lái và các doanh nghiệp ở mức 6.300-6.400 đồng/kg.
Hiện giá hầu hết các loại lúa đều giảm mạnh từ 2.000-2.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2024. Những ngày gần đây, thương lái và các đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện thu mua và tiến hành chốt giá thu mua các loại lúa thơm (lúa tươi) như lúa Đài Thơm 8, RVT, Jasmine 85 và OM 18… chỉ từ 6.200-6.500 đồng/kg. Giá lúa tươi IR 50404, OM 380… ở mức 5.000-5.300 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong vài năm trở lại đây. Giá lúa giảm do gần đây giá gạo xuất khẩu giảm mạnh, nhất là khi một số quốc gia sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới có chính sách mở cửa cho xuất khẩu gạo trở lại sau một thời gian tạm ngừng.
Càng khó cho những người thuê đất trồng lúa
Với giá bán lúa ở mức thấp như hiện nay, vụ này nông dân khó có thể kiếm được mức lợi nhuận như vụ đông xuân trước mà nhiều người còn có nguy cơ bị lỗ vốn, nhất là những nông dân phải thuê mướn đất.
Theo nhiều nông dân tại các huyện trồng lúa chủ lực trên địa bàn TP Cần Thơ như Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh, vụ này nếu làm lúa đất nhà, năng suất lúa đạt từ 1 tấn/công tầm lớn trở lên, vẫn có thể kiếm lời từ 2-3 triệu đồng/công. Nhưng nếu thuê mướn đất để sản xuất lúa, khó có thể thu hồi được vốn, nhất là trong trường hợp phải thuê đất với giá cao và lúa đạt năng suất thấp, cộng với giá bán thấp. Thực tế cho thấy, hiện có nhiều nông dân phải thuê đất với mức giá thuê từ 3,8-5,5 triệu đồng/công/năm. Với giá thuê đất như vậy, không thể thu hồi được vốn ngay trong vụ đông xuân này mà phải chờ sản xuất các vụ lúa tiếp theo. Tuy nhiên, sản xuất lúa trong vụ hè thu và thu đông thường không đạt được năng suất và lợi nhuận cao như vụ đông xuân nên cơ hội để kiếm lời rất khó. Ông Nguyễn Văn Dũng, ngụ ấp Thạnh Lợi 2, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Tôi thuê 26 công đất tại khu vực Nông trường sông Hậu để sản xuất lúa, với giá thuê 3,8 triệu đồng/công/năm. Do giá các loại vật tư đầu vào ở mức cao, chi phí đầu tư sản xuất lúa trong vụ này từ 3-3,2 triệu đồng/công, cộng với tiên thuê mướn đất, tính ra lên đến 6,8-7 triệu đồng/công. Nhưng vừa qua, thu hoạch lúa chỉ bán được 6.200 đồng, dù năng suất lúa đạt khoảng 1 tấn/công, tôi chỉ thu được 6,2 triệu đồng. Như vậy, tôi còn bị lỗ vốn từ 600.000-800.000 đồng/công nên gặp khó khi tái đầu tư cho vụ lúa tiếp theo. Rất mong vụ hè thu và thu đông tới đây, lúa đạt năng suất cao, giá bán tốt hơn may ra mới có lời chút ít".
Trong tình hình giá lúa giảm thấp và nhiều tiểu thương, doanh nghiệp còn chậm thu mua lúa, gạo sau Tết Nguyên đán, nhiều nông dân rất lo lúa có thể bị thất thoát và hao hụt nhiều nếu để chín lâu trên đồng mà không được thu hoạch kịp thời, năng suất lúa sẽ giảm... Anh Trịnh Văn Hành ở ấp Đông Hòa A, xã Thới Tân, huyện Thới Lai, cho biết: "Nhờ lấy tiền cọc của thương lái khá sớm khi lúa mới trổ đều nên đã chốt được giá bán lúa tươi Đài Thơm 8 ở mức 8.000 đồng/kg và dự kiến khoảng 7-10 ngày nữa lúa bước vào thu hoạch. Tuy nhiên, với tình hình giá lúa trên thị trường bị giảm thấp, tôi rất lo tới đây thương lái có thể chậm đến thu mua lúa, tôi phải thường xuyên gọi điện để nhắc họ tới mua đúng hẹn". Theo anh Đinh Văn Phường, tiểu thương kinh doanh lúa gạo tại phường Long Hưng, quận Ô Môn, đến ngày mùng 9 Tết, đa phần doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã mở cửa hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ Tết. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn thu mua với số lượng ít hoặc chỉ mới chào giá thu mua gạo nhưng mức giá họ đưa ra khá thấp. Đơn cử, giá thu mua gạo OM 5451 chỉ ở mức trên dưới 8.700 đồng/kg đối với gạo lứt, gạo trắng là 10.400 đồng/kg. Gạo lứt OM 18 và Đài Thơm 8 trên dưới 9.800 đồng/kg, còn gạo trắng 11.300 đồng/kg…
Từ thực tế đó mà nhiều tiểu thương kinh doanh lúa gạo cũng chưa dám đẩy mạnh thu mua lúa trong dân để về phơi sấy, xay xát bán lại cho doanh nghiệp. Anh Phường cho biết: "Do có các mối lái kinh doanh gạo chợ đã đặt hàng từ trước nên mới dám bao tiêu, thu mua khoảng 500 công lúa cho nông dân tại Ô Môn và Cờ Đỏ. Thu mua hết số lượng này, tôi cũng chờ xem tình hình giá cả và đầu ra gạo thế nào mới dám đẩy mạnh mua thêm lúa".
Hiện không chỉ nông dân mà nhiều tiểu thương cũng rất mong ngành chức năng và các doanh nghiệp sớm đẩy mạnh các hoạt động thu mua, chế biến và xuất khẩu lúa gạo để tạo điều kiện cho việc tiêu thụ lúa, gạo được thuận lợi. Đồng thời, ngành chức năng cần quan tâm có giải pháp kéo giảm giá phân bón và các loại vật tư đầu vào, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất lúa trong thời gian tới. Vụ đông xuân 2024-2025, nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ đã gieo trồng được 72.031ha lúa. Dự kiến trong một vài tuần tới, nhiều trà lúa đông xuân bước vào thu hoạch rộ.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG