Năm 2024 là năm thứ 4, tỉnh Vĩnh Long triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Kết quả nổi bật nhất đạt được là việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất diễn ra mạnh mẽ, từ đó tạo đà để đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trong năm cuối của kế hoạch.
Nhiều kết quả tích cực
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Long, trong năm 2024, việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi tiếp tục theo hướng tích cực. Nông dân, các tổ chức sản xuất (tổ hợp tác, hợp tác xã) chú trọng cơ cấu lại sản xuất lĩnh vực trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị. Nhiều địa phương trong tỉnh đã linh hoạt sử dụng hiệu quả đất trồng lúa chuyển sang trồng màu, cây ăn trái vừa mang lại hiệu quả kinh tế.
Nông dân ở Vĩnh Long đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Trong ảnh: Nông dân ở xã Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long lên liếp trồng khoai mở trong mùa khô.
Ngành chăn nuôi cũng được chuyển dịch đúng hướng, với định hướng phát triển chăn nuôi theo vùng đạt kết quả khả quan; việc duy trì và phát triển các mô hình chăn nuôi tập trung, kết hợp bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh được tiến hành tích cực. Nghề nuôi trồng thủy sản tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng nuôi thâm canh các loại thủy sản chủ lực và đa dạng hóa thủy sản lồng/bè gắn với phát triển chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và giảm thiểu rủi ro được chú trọng phát triển.
Song song đó, việc tuyên truyền, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trong năm qua được tập trung thực hiện, nhiều mô hình hiệu quả được hình thành, mở rộng; nhiều diện tích được chứng nhận an toàn, chứng nhận GAP tăng lên. Nông dân và các tổ chức sản xuất đã áp dụng khá phổ biến cơ giới hóa trong nông nghiệp để giảm công sức lao động, tăng hiệu quả sản xuất bằng việc sử dụng các loại máy móc hiện đại; nhờ đó, năng suất, sản lượng, giá trị nông sản của huyện ngày càng được nâng cao.
Hạ tầng nông thôn, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đang dần được hoàn thiện, xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân. Từ đó góp phần nâng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 ở khu vực nông nghiệp và thủy sản đạt 15.499 tỉ đồng tăng 2,75% so với năm 2023.
Cụ thể, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa trong năm đạt 26.727,6ha; trong đó, diện tích luân canh cây hằng năm trên đất lúa đạt 25.917,7ha, 103,7% so với kế hoạch (hay tăng 843,7ha so với năm trước). Nhiều địa phương chuyển đổi màu trên đất lúa như huyện Bình Tân, Vũng Liêm, thị xã Bình Minh cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân đạt 100-150 triệu/ha/năm, cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa.
Hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung với sản lượng lớn, cung cấp cho thị trường như vùng trồng sầu riêng 2.800ha tại huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ, Tam Bình; vùng bưởi Năm Roi 1.400ha tại thị xã Bình Minh; vùng chôm chôm 1.300ha tại huyện Long Hồ, Trà Ôn; vùng trồng cam sành 15.000ha ở huyện Trà Ôn, Vũng Liêm, Tam Bình)… Bên cạnh, toàn tỉnh hiện có 297ha ao, hầm nuôi cá tra thâm canh, 1.654 lồng, bè nuôi thủy sản trên sông lớn và 973 trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm. Trong đó có nhiều cơ sở chăn nuôi, nuôi thủy sản được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn trong sản xuất, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu...
Đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp
Theo ông Nguyễn Văn Liêm, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, với kết quả tích cực đạt được về phát triển sản xuất nông nghiệp trong năm qua, là cơ sở để ngành Nông nghiệp của tỉnh đề các giải pháp thực hiện để đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phấn đấu đạt các mục tiêu theo kế hoạch đặt ra trong năm 2025.
Theo đó, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của Vĩnh Long sẽ tiếp tục thực hiện theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; hình thành vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nhằm tạo ra nông sản chất lượng để đáp ứng xu thế thị trường.
Để thực hiện có hiệu quả và đạt được các mục tiêu tại kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh trong năm 2025, theo ông Nguyễn Văn Liêm, giải pháp trọng tâm là tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Kế đến là chuyển đổi quy mô sản xuất nhỏ lẻ cá thể sang quy mô sản xuất tập trung. Trong đó, thực hiện chuyển từ 2.100ha đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm (như sầu riêng, dừa, mít, bưởi,…), thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao năm 2025 với mục tiêu đến cuối năm 2025 đạt 3.203ha tại 4 huyện: Tam Bình, Vũng Liêm, Long Hồ và Bình Tân. Xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc; xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đáp ứng theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, dự kiến thiết lập, quản lý mã số 1.135ha vùng trồng các loại cây chủ lực và tiềm năng để phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu vào thị trường các nước như Trung Quốc, EU, Hàn Quốc,…
Song song đó, tăng cường phát triển khoa học công nghệ - ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; linh hoạt, đổi mới công tác khuyến nông; nhân rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ, xây dựng mô hình điểm về nông nghiệp tuần hoàn; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao hiệu quả trọng sản xuất như sử dụng thiết bị bay không người lái, công nghệ tưới nước tiên tiến, biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp, ứng dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ… Đồng thời tiếp tục phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Ngoài ra còn đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã. Hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông... phục vụ sản xuất hàng hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chủ động theo dõi diễn biến của thời tiết, biến đổi khí hậu; kịp thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi. Quản lý kiểm soát tốt chất lượng vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Phấn đấu đến cuối năm 2025, tổng sản phẩm (GRDP) khu vực nông nghiệp và thủy sản toàn tỉnh tăng 3,5% so với năm 2024; giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích năm 2024 đạt 430 triệu đồng/ha. Có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 39/83 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15/83 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hỗ trợ huyện Mang Thít thực hiện đạt chuẩn huyện nông thôn mới...
Bài, ảnh: MỸ TRUNG