15/02/2025 - 08:33

Du khách thích thú dỡ chà bắt cá 

Vùng đất ngập mặn huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau vốn giàu sản vật. Những năm gần đây khách du lịch về nhiều, người dân địa phương đã tận dụng sản vật tự nhiên, những cách bắt tôm cá truyền thống phục vụ du khách. Tại Trạm dừng chân Tư Tỵ, đang có sản phẩm “Dỡ chà bắt cá” được du khách đánh giá cao.

Du khách thích thú khi tận tay bắt được cá nâu.

Đưa chúng tôi cùng các du khách từ TP Hồ Chí Minh ra vuông tôm trải nghiệm dỡ chà bắt cá, anh Lê Khánh Nguyên, người phụ trách đưa khách trải nghiệm các dịch vụ ở Trạm dừng chân Tư Tỵ (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) cho biết đây là cách bắt cá truyền thống độc đáo tại địa phương. Người dân ở đây ví cách tạo đống chà để bắt cá là “làm tổ cho cá ở”.

“Tôi sẽ báo trước cho du khách biết, trong đống chà này sẽ có các loại cá gì, cách bắt như thế nào. Ví dụ như cá nâu rất phổ biến, dễ bắt nhưng nếu bị chúng đánh thì sẽ rất đau. Tuy nhiên, du khách không cần quá lo lắng, chỉ cần mò từ từ, đụng vào thân cá thì dựa nó xuống bùn hoặc vào chà, là bắt được. Cá nâu rất hiền và rất dễ bắt. Khi ra tới nơi, ai thích thì xuống vuông, ai không thích thì trên xuồng, còn sợ nước thì đứng trên bờ xem. Du khách sẽ được hướng dẫn vây lưới chung quanh, rồi tự tay dỡ chà, rồi dùng sình chọi làm đục nước, cá không thấy đường nữa bắt dễ hơn”, anh Nguyên chia sẻ.

Trong không gian vuông tôm, để phục vụ khách trải nghiệm, xa xa lại có 1 đống chà được tạo lên từ các cành, nhánh cây đước, cây mắm khô. Mỗi đống chà có diện tích khoảng 4m2, được cặm tại những vị trí sâu trong vuông. Chà đã được chuẩn bị trước đó khoảng 2 tháng, để cá đến ở quen thành ổ mới dỡ được. Du khách trải nghiệm dỡ chà bắt cá sẽ dễ dàng tận tay mò dính cá nâu, tôm; còn với cá phi, cá đối, cá cháo thường gỡ từ lưới bao xung quanh; cá chẽm, cá ngát cũng có nhưng ít và khó bắt.

Ông Nguyễn Phát Triển, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, bày tỏ: “Gia đình tôi lên thành phố lập nghiệp lâu rồi. Cũng gần chục năm tôi mới trở về Cà Mau, được tham gia trải nghiệm dỡ chà bắt cá như thế này rất thích. Tôi nhớ lại tuổi thơ mình đi theo ông bà ngày xưa bắt cá. Ðống chà không to mà tôi bắt được cả chục con cá nâu rồi cá phi nữa, mới thấy nguồn cá tự nhiên ở nơi đây còn nhiều. Nghe nói cá nâu bây giờ là đặc sản ở Cà Mau rồi, tôi sẽ làm món cá nâu kho trái giác; cá phi nấu lẩu mắm; cá cháo thì kho lạt. Tự bay bắt rồi được quán lấy chế biến khi ăn chắc sẽ rất ngon. Tôi thích những trải nghiệm kiểu dân dã, mang chất xưa như vậy”.

Xa xưa, việc tạo đống chà để bắt cá được người dân ở Cà Mau thực hiện phổ biến, nhất là ở vùng mặn, nuôi tôm của tỉnh. Cha ông thường tạo những đống chà lớn ngoài các kênh, mương thủy lợi thu hút cá về ở, sau đó, vây lưới chung quanh để bắt. Khi du lịch phát triển, người dân đã tái hiện lại cách làm này trong vuông tôm để phục vụ du khách.

Ông Lê Minh Tỵ, chủ Trạm dừng chân Tư Tỵ, cho biết: “Hồi đó vây lưới phải lớn, cá chẽm bắt được con 5-7 ký; còn các hang cá ngát ở dưới đáy thụt lên có khi bắt cả chục ký nữa là bình thường; cá đối, cá nâu và cá tạp khác thì rất nhiều. Với người dân địa phương thì đây là cái cách kiếm sống nên quá quen thuộc. Ðến khoảng 2016, tôi mở trạm dừng chân đón khách du lịch về. Thấy khách xuống họ hiếu kỳ với vùng đất của mình nhiều thứ lắm. Họ cũng góp ý mình nên làm du lịch trải nghiệm, cái gì càng gần gũi với đời sống của người dân nhưng lạ với họ thì họ càng thích. Từ đó, tôi làm dỡ chà, rồi đi câu, đặt lợp cua, soi ba khía... Du khách rất háo hức, rất thích!”.

Việc tái hiện, đưa nghề mưu sinh một thời vào phục vụ du lịch không chỉ làm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của địa phương, mà còn giúp người dân phát triển kinh tế. Qua đó cũng góp phần gìn giữ, phát huy nét văn hóa cộng đồng độc đáo của người dân Cà Mau nói riêng, miền Tây nói chung.

Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA

 

Chia sẻ bài viết