27/01/2025 - 11:14

“Ðầu kéo” kinh tế vùng 

Sau 50 năm giải phóng miền Nam (30/4/1975-30/4/2025) và hơn 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, TP Cần Thơ luôn vững vị thế Tây Đô và được biết đến là thành phố trẻ trên đà phát triển. Không chỉ vậy, với những quyết sách và trọng trách Bộ Chính trị, Chính phủ giao, Cần Thơ đã và đang ra sức phát huy lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực cùng truyền thống đoàn kết, tinh thần năng động, sáng tạo để vươn lên đổi mới, xứng đáng với vị thế “đầu tàu” kéo các tỉnh trong vùng cùng phát triển.

Công nhân tại nhà máy của Hợp tác xã Nhất Tâm tất bật với những đơn hàng cuối năm.

Chung sức phát triển thành phố trẻ

Những năm qua, TP Cần Thơ từng bước phát triển quy mô nền kinh tế, đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong công cuộc CNH, HÐH, TP Cần Thơ tích cực xây dựng hình ảnh của một thành phố công nghiệp trẻ năng động.

Trong 25 năm đồng hành và phát triển cùng thành phố, hiện Công ty TNHH May Xuất khẩu Việt Thành giải quyết việc làm ổn định gần 700 lao động trên địa bàn. Thời điểm cuối năm, các dây chuyền sản xuất tại May Việt Thành càng thêm tất bật để phục vụ nhu cầu tiêu dùng lớn nhất trong năm. “Công ty sản xuất và kinh doanh sản phẩm may mặc các loại xuất đi các thị trường Mỹ và EU. Với lợi thế đội ngũ lao động lâu năm và lành nghề, công ty hợp tác với các nhãn hiệu lớn trên toàn cầu như Express, J.Crew, Alo Yaga… Năm 2024, doanh thu dự kiến của công ty đạt 20 triệu USD, tương ứng 4 triệu sản phẩm các loại. Chúng tôi đặc biệt quan tâm chăm lo các chế độ và quyền lợi của người lao động để luôn giữ vững lực lượng lao động ổn định, lành nghề. Hiện thu nhập người lao động đạt trên 9 triệu đồng/tháng cùng với chế độ, phúc lợi được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc” - ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Công ty cho biết.

Với hoạt động giao thương sôi động, sầm uất, TP Cần Thơ còn được biết đến là trung tâm thương mại - dịch vụ của vùng. Ông Trần Minh Kiệt, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, chia sẻ: “Ngoài 109 chợ, trên địa bàn còn có 12 siêu thị, 5 trung tâm thương mại và 162 cửa hàng tiện ích. Ðây là các loại hình thương mại hiện đại đang ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân thành phố và du khách. Tiến trình hội nhập và phát triển, sản phẩm hàng hóa của thành phố xuất khẩu trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới”.

Lĩnh vực nông nghiệp được thành phố tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; hướng đến “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Là một trong những mô hình hợp tác xã kiểu mới làm ăn hiệu quả của TP Cần Thơ, Hợp tác xã Sản xuất Thương mại Nhất Tâm có 5 vùng nuôi cá nước ngọt và mặn, tổng diện tích 30.000m2, sản lượng 1.000 tấn/năm. Hôm chúng tôi đến, hợp tác xã đang triển khai dự án điện năng lượng mặt trời tại nhà máy chế biến ở phường Phước Thới, quận Ô Môn. Ông Nguyễn Minh Ðạt, Phó Giám đốc Hợp tác xã khoe: “Dự án khi đưa vào vận hành, hợp tác xã không chỉ sử dụng nguồn năng lượng sạch (70-80%) mà còn hướng đến  sản xuất xanh, có trách nhiệm với môi trường để đáp ứng yêu cầu tiêu dùng mới từ thị trường”. Theo ông Nguyễn Minh Ðạt, Nhất Tâm luôn mong muốn mang đến bữa ăn ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm cho mỗi gia đình. Hiện tại, hợp tác xã cung cấp ra thị trường hơn 30 loại sản phẩm, phân phối tại Saigon Co.op, MM Mega Market, LOTTE Mart, Bách Hóa Xanh… và xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, Úc.

Lãnh đạo thành phố thăm, tìm hiểu hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Kwong Lung Meko.

Trung tâm động lực thúc đẩy kinh tế vùng

Mặc dù kinh tế TP Cần Thơ những năm qua có mức tăng trưởng khá cao nhưng chất lượng tăng trưởng còn thấp; phát triển kinh tế chưa xứng với tiềm năng. Trước bối cảnh đó, ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 30-8-2021, Chính phủ có Nghị quyết số 98/NQ-CP về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW. Ðến ngày 11-1-2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Ðây là những quyết sách lớn không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong tình hình mới mà còn tiếp thêm sức mạnh để Cần Thơ thể hiện tròn vai trung tâm động lực phát triển kinh tế vùng.

Dây chuyền may áo quần xuất khẩu tại Công ty TNHH May Xuất khẩu Việt Thành.

Theo ông Trần Minh Kiệt, thành phố cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp tục hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; xây dựng khu công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin để thu hút đầu tư, tạo động lực mới để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Ðồng thời, đẩy mạnh tích hợp công nghệ và tự động hoá trong sản xuất công nghiệp; phát triển các dòng sản phẩm, thiết bị đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác. Cùng với đó, phát triển dịch vụ theo hướng đa dạng, chất lượng cao; cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng; mở các dịch vụ mới có tiềm năng và giá trị gia tăng lớn, đặc biệt là dịch vụ logistics, thương mại điện tử…

Hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm khoa học và công nghệ (KH&CN) của vùng, ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ, cho biết: Cần Thơ có 41 tổ chức KH&CN; 29 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp có hoạt động KH&CN. Hệ thống tổ chức này cung cấp nguồn nhân lực có trình độ khoa học kỹ thuật, đa ngành, đa lĩnh vực, đã và đang phát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng, là nguồn lực KH&CN mạnh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ nói riêng và ÐBSCL nói chung. Thời gian tới, thành phố cần huy động đa dạng nguồn lực phát triển hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo; tăng dần tỷ trọng đầu tư cho ngành KH&CN từng năm, mục tiêu đạt 2% GDP vào năm 2030. Một số chính sách có thể xem xét như thay vì tập trung vào việc kiểm soát đầu vào và quy trình thì cần chú trọng vào việc đo lường và đánh giá kết quả, tác động của các hoạt động, sản phẩm KH&CN; giảm thiểu các thủ tục hành chính rườm rà; tăng mức chi cho nhiệm vụ KH&CN ở những lĩnh vực là thế mạnh của vùng ÐBSCL…

Cùng với sự nỗ lực nội tại, Chính phủ, các bộ ngành đang triển khai nhiều dự án hạ tầng, giao thông quan trọng có tính chất kết nối liên vùng qua địa bàn TP Cần Thơ như dự án cao tốc Bắc Nam phía Ðông, dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang; nâng cấp, mở rộng đường Nam Sông Hậu; nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2); hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2... Khi các dự án này hoàn thành, đưa vào sử dụng vai trò trung tâm động lực của TP Cần Thơ thêm đậm nét và hứa hẹn tạo bứt phá cho vùng trong tương lai.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: TP Cần Thơ - “hạt nhân” của vùng ÐBSCL, đang tận dụng nhiều động lực để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2024-2025 và tầm nhìn 2030. Quy hoạch TP  Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở, tiền đề vững chắc để Cần Thơ tăng tốc bứt phá, vươn tầm cao mới. TP Cần Thơ tận dụng các mối quan hệ và chương trình hợp tác quốc tế song phương và đa phương để xúc tiến mời gọi nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của thành phố; tiếp cận và mời gọi các công ty xuyên quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược đến từ các quốc gia châu Á và châu Âu. TP Cần Thơ tương lai tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước. Lãnh đạo UBND thành phố cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư, hợp tác phát triển sản xuất trên địa bàn.

Giai đoạn 2011-2023, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP Cần Thơ ước tăng bình quân 5,87%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại, dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 4.088 tỉ đồng năm 2004 lên 22.000 tỉ đồng năm 2020 và năm 2023 đạt 28.524 tỉ đồng, tăng bình quân 11,88%/năm. Riêng năm 2024, GRDP của thành phố tăng 7,12% so với năm 2023; GRDP bình quân đầu người đạt 105,07 triệu đồng/người, tăng 10,8% so với năm 2023. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn ước tăng 10,4% so năm 2023, tương ứng 31.500 tỉ đồng về giá trị.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết