15/02/2025 - 21:02

Sơ kết mô hình Canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của ĐBSCL 

(CT) - Ngày 15-2, tại huyện Cờ Ðỏ, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Cần Thơ thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ phối hợp Công ty cổ phần phân bón Bình Ðiền và các đơn vị có liên quan tổ chức sơ kết mô hình Canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của ÐBSCL. Mô hình thuộc Dự án khuyến nông Trung ương vụ đông xuân 2024-2025, được thực hiện tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ.

Trình diễn thu hoạch lúa và thu gom rơm bằng máy.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Công ty cổ phần phân bón Bình Ðiền cùng các trung tâm khuyến nông, trung tâm dịch vụ nông nghiệp của 12 tỉnh, thành ÐBSCL triển khai Dự án xây dựng mô hình canh tác lúa gạo giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của vùng ÐBSCL. Dự án nhằm triển khai thực hiện Ðề án phát triển bền vững 1 triệu
héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030 (Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC), giúp nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác lúa tiên tiến để giảm giá thành sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tại TP Cần Thơ, Dự án được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Cần Thơ phối hợp Phòng NN&PTNT huyện Cờ Ðỏ triển khai tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tiến Dũng ở xã Thạnh Phú, diện tích 50ha, với 20 hộ dân tại HTX tham gia. Vụ đông xuân 2024-2025, lúa trong mô hình sạ giống Ðài thơm 8, lượng sử dụng giống chỉ 70kg/ha. Với việc gieo sạ thưa, sử dụng giống tốt đạt cấp xác nhận, áp dụng cơ giới và đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, tưới nước ướt khô xen kẽ, sử dụng máy trong gieo sạ, thu hoạch lúa, thu gom rơm… đã giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện chất lượng nông sản và giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường.

Cụ thể, trong sản xuất lúa, các hộ dân đã thực hiện đúng 4 lần rút nước theo quy trình quản lý tưới ướt khô xen kẽ, giảm được phát thải khí nhà kính. Ðồng thời, việc gieo sạ thưa gắn với bón vùi phân bón khi gieo sạ và sử dụng phân bón chuyên dùng của Công ty cổ phần phân bón Bình Ðiền đã giúp giảm lượng phân đạm, cây lúa khỏe và hạn chế tối đa khả năng phát sinh, gây hại của sâu bệnh, từ đó giúp giảm chi phí sản xuất. Năng suất lúa trong mô hình đạt 8,88-9,5 tấn/ha, cao hơn 0,1-0,72 tấn/ha so với mô hình đối chứng canh tác theo truyền thống. Lợi nhuận của nông dân đã tăng thêm 5,19- 8,96 triệu đồng/ha…

Dịp này Ban chủ nhiệm dự án tổ chức cho nông dân và các đại biểu tham quan thực tế mô hình tại HTX nông nghiệp Tiến Dũng, xem trình diễn thu hoạch lúa và thu gom rơm ra khỏi đồng bằng các máy móc cơ giới.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết