17/04/2022 - 08:36

Gia tộc Rajapaksa và sự phá sản của Sri Lanka 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Rajapaksa là một trong những gia tộc quyền lực nhất ở Sri Lanka, thống trị chính trường nước này trong suốt thời gian dài. Thời kỳ ông Mahinda Rajapaksa làm tổng thống, hầu hết các vị trí quan trọng trong chính quyền đều do các thành viên gia đình ông nắm giữ.

Tổng thống Gotabaya (phải) và anh trai Mahinda vui mừng sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi năm 2019. Ảnh: Reuters

Chính phủ như một doanh nghiệp gia đình

Rajapaksa vốn là dòng họ giàu có, sở hữu nhiều đất đai ở thành phố Hambantota, miền Nam Sri Lanka. Gia tộc này bắt đầu gia nhập chính trường vào năm 1936. Trong suốt 3 thập niên sau đó, dòng họ Rajapaksa thống trị chính trường Hambantota với nhiều thành viên được bầu vào Quốc hội.

Gia tộc Rajapaksa tiếp tục trở thành lực lượng chính trị hùng mạnh ở Hambantota khi ông Mahinda và anh trai được bầu vào Quốc hội năm 1989. Tại cuộc bầu cử sau đó, gia tộc Rajapaksa tiếp tục có thêm 3 thành viên được bầu vào cơ quan lập pháp Sri Lanka. Mặc dù liên tục thống trị chính trường Hambantota nhưng trên chính trường quốc gia, dòng họ Rajapaksa vẫn phải “chia lửa” với các dòng họ khác như Senanayakes và Bandaranaikes. Phải đến năm 2005, khi ông Mahinda được bầu làm tổng thống thì mọi việc mới thay đổi. Chỉ ít lâu sau khi lên nắm quyền, ông Mahinda đã bổ nhiệm em trai Gotabhaya Rajapaksa làm Bộ trưởng Quốc phòng, còn người em trai khác là Basil Rajapaksa thì trở thành cố vấn tổng thống cấp cao.

Năm 2010, ông Mahinda tái đắc cử tổng thống Sri Lanka. “Ðế chế” Rajapaksa từ đó càng trở nên hùng mạnh hơn. 3 anh em nhà Rajapaksa trở thành những người được cho là nắm toàn quyền điều hành ở Sri Lanka. Trong đó, ông Mahinda giữ vị trí cao nhất, trong khi người em trai Gotabaya tiếp tục được bầu làm Bộ trưởng Quốc phòng, còn người em út Basil giữ chức Bộ trưởng Phát triển kinh tế, chịu trách nhiệm tái thiết khu vực miền Nam Sri Lanka sau cuộc chiến giữa chính phủ và tổ chức Những con hổ giải phóng Tamil.

Ngoài những người này, nhiều thành viên khác trong gia tộc Rajapaksa cũng được bổ nhiệm giữ các vị trí cấp cao khác trong các cơ quan nhà nước. Chẳng hạn, con trai của ông Mahinda là Namal Rajapaksa được bầu vào Quốc hội, được nhiều người kỳ vọng sẽ trở thành người thừa kế của ông Mahinda. Ước tính, có tới hơn 40 thành viên gia tộc Rajapaksa giữ các chức vụ cấp cao trong chính phủ, phụ trách 11 bộ.

Nhiều người cho rằng gia tộc Rajapaksa đã thực sự trở thành thế lực kiểm soát mọi khía cạnh cuộc sống của người dân Sri Lanka, biến Chính phủ Sri Lanka trở thành một doanh nghiệp gia đình. Theo thống kê, chỉ riêng gia tộc Rajapaksa nắm quyền kiểm soát hơn 56% tổng ngân sách hàng năm của Sri Lanka. Thậm chí, có thời điểm, các thành viên trong gia đình Rajapaksa kiểm soát đến 70% ngân sách đất nước. Còn theo số liệu năm 2014, họ là những người có quyền phân bổ 47% ngân sách quốc gia.

Việc bổ nhiệm các thành viên trong gia đình vào các vị trí cấp cao như vậy đã khiến ông Mahinda bị chỉ trích là độc tài, tập quyền, gia đình trị, khiến các nhánh trong hệ thống chính trị không thể đảm nhiệm được vai trò của mình. Bản thân các thành viên trong gia đình tổng thống bị cáo buộc có hành vi tham nhũng quy mô lớn, không tuân thủ luật pháp và quản trị kém. Chính những chỉ trích này đã khiến ông Mahinda bị cựu Bộ trưởng Y tế Maithripala Sirisena đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2015, đặt “dấu chấm hết” đối với “kỷ nguyên Rajapaksa” trong nền chính trị Sri Lanka.

Gia tộc Rajapaksa “trở lại” và sự phá sản của Sri Lanka

Năm 2018, ông Mahinda bắt đầu quay trở lại chính trường khi tham gia cuộc bầu cử tại địa phương. Do lo ngại về sự “trở lại” của ông Mahinda, Tổng thống Sirisena đã sa thải Thủ tướng Ranil Wickremesinghe và bổ nhiệm ông Mahinda làm thủ tướng. Ðến năm 2019, ông Gotabaya giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.

Thế nhưng, anh em nhà Rajapaksa không thể nào lường trước được mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng. Hàng loạt biện pháp cắt giảm thuế, như thuế giá trị gia tăng VAT giảm từ 13% xuống còn 8%, nâng mức thu nhập phải chịu đóng thuế hằng năm từ 500.000 rupee lên 3 triệu rupee, đã khiến nguồn ngân sách bị thâm hụt nghiêm trọng. Chính sách này do Basil Rajapaksa, khi đó là Bộ trưởng Tài chính, đưa ra nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cử tri trước cuộc tổng tuyển cử năm 2019. Hàng loạt vụ đánh bom sau đó khiến 269 người thiệt mạng, cùng đại dịch COVID-19 xuất hiện đã tàn phá ngành du lịch vốn chiếm đến 13% GDP của Sri Lanka. Ðến tháng 4-2021, chính quyền Rajapaksa phạm phải “sai lầm chết người” khi ban hành lệnh cấm nhập khẩu phân bón nhằm ngăn chặn nguồn ngoại hối chảy ra nước ngoài và biến Sri Lanka thành nước canh tác hữu cơ 100%. Biện pháp này đã hoàn toàn thất bại và bị hủy bỏ sau 7 tháng, nhưng nó đã làm suy giảm nghiêm trọng sản lượng nông nghiệp chưa từng thấy  ở quốc gia Nam Á này. Chẳng hạn, sản lượng lúa gạo của Sri Lanka giảm tới 50%, buộc nước này phải nhập khẩu gạo lần đầu tiên sau nhiều năm.

Cùng với tác động kinh tế do đại dịch gây ra, giá cả trong nước và thế giới tăng cao (chưa kể những ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga - Ukraine), lạm phát ở Sri Lanka đã tăng 18,8% hồi tháng 3, trong đó giá lương thực tăng 30%. Trong khi đó, Sri Lanka liên tục nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, tạo ra thâm hụt thương mại, trong khi chi tiêu của chính phủ vượt quá thu nhập, dẫn đến thâm hụt ngân sách. Ðể duy trì ngân sách, Sri Lanka vốn nợ nần chồng chất đã vay thêm vay những khoản tiền “khủng” để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, như Cảng quốc tế Hambantota do Trung Quốc “tài trợ”. Nhiều cơ sở hạ tầng tốn kém không mang lại nguồn thu của nước này đã trở thành “vấn nạn kinh tế”, khiến Chính phủ Sri Lanka  không thể trả lãi cho các khoản vay. Theo Hãng tin AFP, Sri Lanka đang nợ nước ngoài đến 51 tỉ USD, trong đó Colombo phải trả khoản nợ lên tới 8,6 tỉ USD trong năm nay giữa lúc  nguồn dự trữ ngoại hối chỉ còn 1,93 tỉ USD tính đến cuối tháng 3 vừa qua, Tỷ lệ nợ/GDP của Sri Lanka đã tăng vọt, từ mức 42% vào năm 2019 lên 104% vào năm 2021.

Các tổ chức xếp hạng quốc tế liên tục hạ bậc tín nhiệm của Sri Lanka, khiến nước này khó tiếp cận thị trường vốn nước ngoài để huy động các khoản vay cần thiết cho nhập khẩu. Tình trạng thiếu ngoại tệ đã khiến nước này gặp khó khăn trong nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu hay thuốc men. Nhiều người đã phải xếp hàng dài để mua thực phẩm, dầu ăn và xăng dầu, trong khi chính phủ phải áp dụng biện pháp cắt điện luân phiên 13 tiếng/ngày trên toàn quốc hay phát hành tem phiếu với sữa bột, đường, đậu lăng và gạo. Việc này đã khiến người dân bất mãn, đổ ra đường biểu tình từ đầu năm đến nay.

Chính phủ Sri Lanka hôm 12-4 đã tuyên bố vỡ nợ và đang chờ gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết các chủ nợ được tự do vốn hóa chi phí lãi vay (tiền lãi được cộng vào số dư cho vay) hoặc chọn hoàn vốn bằng đồng rupee của nước này. 

Bài học từ Sri Lanka

ÐỨC TRUNG (Theo Daily Star, AFP)

Trước Sri Lanka, đã có hàng loạt nước tuyên bố vỡ nợ một phần hoặc toàn phần. Không kể những nước nghèo có nền quản trị kém và độc đoán, những nước có mức thu nhập khá từng không thể trả nợ như Mexico năm 1982, Argentina (9 lần vỡ nợ mà lần gần nhất vào tháng 5-2020), Nga năm 1998, Lebanon năm 2020. Một nước  phát triển đầu tiên phải vỡ nợ năm 2015 là Hy Lạp.

 Sri Lanka từng được ca ngợi là ngôi sao kinh tế đang lên của thế giới. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, từ một đất nước bị nội chiến tàn phá, Sri Lanka vươn lên nhóm quốc gia có mức thu nhập trung bình cao, tức đã vượt qua bẫy thu thập trung bình. Tuy nhiên, Sri Lanka đã thực hiện nhiều chính sách sai lầm dẫn đến mất nguồn thu ngân sách và phải vay mượn lớn, trong đó món nợ nước ngoài chiếm gần 63% GDP, cao hơn mức 55% theo khuyến cáo của IMF. Các  chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka gồm trái phiếu chính phủ chiếm 36,4%, Ngân hàng phát triển châu Á chiếm 14,6%, Nhật Bản 10,9%, Trung Quốc 10,8%.

Theo Tiến sĩ Fahmida Khatun, giám đốc điều hành của Trung tâm đối thoại chính trị có trụ sở tại Bangladesh, thảm họa kinh tế chưa từng có của Sri Lanka kể từ khi độc lập năm 1948 có nguồn gốc từ chính trị. Là đất nước có vị thế địa chiến lược quan trọng ở Ấn Ðộ Dương, giúp kết nối Nam Á, Ðông Nam Á và châu Phi thông qua hành lang biển, Sri Lanka được coi có vị thế tốt hơn nhiều nước láng giềng. Tuy nhiên, giống như nhiều nền văn hóa phong kiến khu vực, Sri Lanka nằm dưới triều đại chính trị độc đoán, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, kém năng lực và trách nhiệm, quản trị không minh bạch, phát triển cục bộ, địa phương chủ nghĩa. Sự sụp đổ của Sri Lanka vì thế gióng lên hồi chuông ở một số nước trong khu vực, đồng thời là sự cảnh tỉnh cho nhiều nước khác trên thế giới trong bối cảnh hiện tại.

 

Chia sẻ bài viết