16/02/2009 - 09:32

"Ghế nóng" !

Nội các Nhật họp ngày 13-2 nhằm bảo vệ Thủ tướng Aso (phía trước) sau những chỉ trích nặng nề của cựu Thủ tướng Koizumi.
Ảnh: AFP

Việc chính phủ Nhật hồi cuối tuần rồi ký thỏa thuận cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vay 100 tỉ USD để giúp đỡ các nền kinh tế mới nổi vượt qua khủng hoảng tài chính có thể khiến Thủ tướng Taro Aso được thế giới xem như một “mạnh thường quân”. Nhưng điều đó không giúp ông vượt qua khó khăn trong nước. Bên cạnh những cản trở (trong điều hành đất nước) của phe đối lập, ông Aso giờ đây còn phải đối mặt với nhiều chỉ trích gay gắt ngay từ nội bộ đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền.

Cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi, hiện được xem là nghị sĩ có ảnh hưởng nhất, mới đây không tiếc lời công kích đương kim thủ tướng sau khi ông Aso có những nhận xét “tiền hậu bất nhất” về chương trình tư nhân hóa hệ thống bưu điện, được khởi xướng dưới thời ông Koizumi. Số là trong cuộc họp Ủy ban Ngân sách Hạ viện hôm 5-2, Thủ tướng Aso nói rằng khi đó với tư cách là thành viên nội các, ông không ủng hộ việc này. Có lẽ do biết mình “mạo phạm” nên tới ngày 9-2, ông Aso cải chính bằng cách nói thêm rằng sau hai năm nghiên cứu, ông cuối cùng bị thuyết phục bởi chương trình đó. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng cần phải xem xét lại toàn bộ hoạt động của Bưu điện Nhật Bản để nâng cao tính hiệu quả của nó.

Theo ông Koizumi, phát biểu của Thủ tướng Aso là “nực cười”. Nặng nề hơn, ông Koizumi nói rằng LDP sẽ không thể giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra chậm nhất vào cuối năm nay nếu lãnh đạo đảng vẫn là ông Aso, người mà ông cho là “không có sự tin cậy trong lời nói”. Ngoài ra, ông Koizumi cũng không đồng tình với chủ trương của Thủ tướng Aso về việc phát cho mỗi người dân xứ hoa anh đào 12.000 yen (128 USD) tiền mặt để kích cầu. Dự luật trên sẽ bị phá sản (không được 2/3 thành viên Hạ viện thông qua) nếu có 16 nghị sĩ LDP cùng quan điểm với ông Koizumi. Xung quanh kế hoạch này, Thủ tướng Aso cũng gây không ít chú ý. Khi được hỏi liệu số tiền đó chỉ nên dành cho người nghèo, ông Aso nói rằng người giàu không việc gì phải ngại ngùng khi nhận trợ cấp của chính phủ. Cũng cần biết là ông Aso xuất thân từ tầng lớp vương giả. Một số nhà phân tích cho rằng ông Aso sẽ phải rời bỏ chiếc ghế thủ tướng nếu dự luật trên không được phê chuẩn.

Trong khi đó, uy tín của Thủ tướng Aso đối với dân chúng Nhật gần đây cũng tuột dốc thảm hại. Theo thăm dò hồi tuần rồi của tờ Asahi Shimbun, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông chỉ còn 14%, giảm 5% so với cách đây một tháng và chỉ bằng phân nửa ông Ichiro Ozawa, chủ tịch đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đối lập. Tỷ lệ ủng hộ đối với LDP cũng thấp hơn DPJ (22% và 25%). Do đó, cũng dễ hiểu khi ông Aso kiên quyết không giải tán Hạ viện để tổ chức bầu cử sớm bất chấp áp lực từ phe đối lập và cả một số nghị sĩ LDP. Vấn đề là liệu LDP có tiếp tục để ông ngồi trên “ghế nóng”cho tới khi nhiệm kỳ của Hạ viện kết thúc vào tháng 9 tới? Nên nhớ rằng trước khi ông Aso nhậm chức vào tháng 9-2008, hai người tiền nhiệm của ông là Yasuo Fukuda và Shinzo Abe đều tại vị không đầy một năm.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết