17/06/2012 - 20:12

G-20 trước sức ép từ cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu

Hôm 16-6, Tổng thống Mexico Felipe Calderon (ảnh), cho biết ông hy vọng các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới sẽ rót nhiều hơn con số 430 tỉ USD như đã cam kết, đóng góp vào gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm ngăn chặn sự lan rộng của cuộc cơn bão khủng hoảng tài chính tại châu Âu.

Ảnh: Reuters 

Phát biểu với báo chí, Tổng thống nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) tuyên bố “sẽ có nguồn vốn lớn hơn” số tiền mà các thành viên G-20 đã hứa tài trợ hồi tháng 4. Đây sẽ là gói cứu trợ dành cho các quốc gia và các nền kinh tế phát triển lớn vốn không dám vay ở các thị trường mở do e ngại cuộc khủng hoảng hiện nay đang làm lãi suất gia tăng. Trong gói cứu trợ này, ông Calderon đặt nhiều niềm tin vào các nền kinh tế mới nổi, chứ không trông chờ vào nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ. Hồi tháng 4 vừa qua, các nước thuộc G-20 đã cam kết sẽ rót 430 tỉ USD theo hình thức những khoản vay mới dành cho IMF, để tổ chức này có thể giúp các nước bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Trung Quốc, Nga và Mexico vẫn chưa tiết lộ khoản tiền cụ thể mà họ sẽ đóng góp. Ông Calderon cũng tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh G-20 (sẽ khai mạc ngày 18-6 tại thành phố nghỉ dưỡng Los Cabos), việc tái cấu trúc tài chính của IMF là một trong những chủ đề quan trọng nhất cần bàn thảo.

Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hôm 17-6 đã lên tiếng cảnh báo các nước thành viên G-20 khi cho rằng họ cần phải triển khai “một sức mạnh vượt trội hơn” để có thể đương đầu với cuộc khủng hoảng trầm trọng tại châu Âu. Phát biểu tại thành phố Los Cabos ngay trước hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng Thư ký OECD Angel Gurria cho biết, phản ứng của các nước thuộc Khu vực đồng euro (Eurozone) đối với cuộc khủng hoảng đã không được phối hợp một cách thỏa đáng. “Châu Âu có nhiều giải pháp, thể chế, sức mạnh và năng lực..., nhưng những lợi thế này đã không được chuyển hóa theo một đường lối đúng đắn, bởi nhiều vấn đề ở mỗi chính phủ các nước”- ông Gurria nhấn mạnh. Ông cũng nhấn mạnh thế giới sẽ phải đối mặt với một cuộc “suy thoái tổng thể” nếu phản ứng từ các chính phủ đối với những khó khăn do cuộc khủng hoảng không được đưa ra kịp thời.

Đề cập đến tình hình Hy Lạp, người đứng đầu OECD cũng cho biết nước này phải có được cơ hội thương lượng lại về những điều khoản của gói cứu trợ trị giá 163 tỉ USD từ Liên minh châu Âu (EU) và IMF nếu chính phủ nước này giữ ý định ở lại Eurozone. “Đây là viễn cảnh tôi muốn thấy và nếu đó là điều kiện dành cho Hy lạp để có thể ở lại Eurozone, thì khi đó phải được tiến hành nhanh chóng”. Tổng Thư ký OECD cũng cho biết đa số nhà lãnh đạo chính trị của Hy Lạp đều thể hiện mong ước được ở lại Eurozone. Ngày 17-6, người dân xứ thần thoại bước vào cuộc tổng tuyển cử quyết định tương lai của họ tại Eurozone. Vì thế, theo các nhà phân tích, tuyên bố của ông Gurria nhằm khuyến khích người dân Hy Lạp chọn lựa con đường ở lại Eurozone.

Trước ngày bầu cử tại Hy Lạp, Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone, ông Jean-Claude Juncker, cũng đã cảnh báo nước này không nên quay lưng lại với đồng euro và cho rằng một chiến thắng cho phe cánh tả cực đoan không ủng hộ cứu trợ sẽ gây ra hậu quả “không thể lường trước” không chỉ đối với nền kinh tế và xã hội đối của Hy Lạp mà cho cả liên minh tiền tệ hơn 10 năm tuổi này. Chủ tịch sắp mãn nhiệm của Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cũng cảnh báo rằng châu Âu đối mặt với “thời điểm của Lehmans Brothers” như ở Mỹ năm 2008 và sự sụp đổ của đồng tiền euro có thể gây ra cuộc khủng hoảng trên quy mô toàn cầu.

THANH LIÊM (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết