07/12/2011 - 09:05

Eurozone trước nguy cơ đồng loạt rớt hạng tín dụng

Eurozone đang đứng trước hai sự lựa chọn:
Tồn tại hay không tồn tại?

Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) của Mỹ vừa cảnh báo có thể sẽ tiến hành hạ bậc tín nhiệm đối với 15 nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nếu các nhà lãnh đạo khối này không đưa ra được một thỏa thuận thuyết phục về cách giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại hội nghị thượng đỉnh Eurozone và Liên minh châu Âu (EU) trong hai ngày 8 và 9-12 tới. Sự tụt hạng sẽ thực sự làm phá sản kế hoạch giải cứu đồng euro vì quỹ cứu trợ của EU không còn khả năng huy động tiền từ các thị trường trái phiếu.

Theo S&P, những căng thẳng mang tính hệ thống tại khu vực gia tăng trong những tuần gần đây đã đạt đến qui mô khiến các quốc gia Eurozone, trừ CH Síp và Hy Lạp, có nguy cơ rớt hạng tín dụng nếu các nhà lãnh đạo thất bại trong việc xử lý cuộc khủng hoảng nợ. Các nước Áo, Bỉ, Phần Lan, Đức, Hà Lan và Luxembourg có thể bị hạ 1 bậc tín nhiệm, trong khi 9 nước còn lại có nguy cơ mất đến 2 bậc, kể cả Pháp - nước đang được xếp loại AAA. CH Síp hiện đã nằm trong nhóm xem xét tụt hạng còn Hy Lạp đã rơi xuống hạng CC.

“Đến nay, các nhà lập pháp châu Âu vẫn chưa tạo ra sự tiến triển trong việc kiểm soát cuộc khủng hoảng tài chính. Điều đó phản ánh sự yếu kém về cơ cấu trong quy trình đưa ra quyết định giữa Eurozone và EU”, S&P nhận định. Xem xét hạ bậc tín dụng sẽ được S&P quyết định “sớm nhất có thể” sau cuộc họp thượng đỉnh của khu vực này.

Kinh tế Đông Á bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng ở Eurozone

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa hạ mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2012 của các nền kinh tế Đông Á, trong bối cảnh sự bất ổn ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đe dọa kéo nền kinh tế toàn cầu trở lại thời khủng hoảng. Cụ thể, kinh tế của khu vực Đông Á, gồm các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Trung Quốc, Hồng Công, Hàn Quốc và Đài Loan chỉ tăng trưởng 7,2%, thay vì 7,5% như dự báo của ADB hồi tháng 9.

Theo ADB, Đông Á nên chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng kéo dài và sự phục hồi yếu ớt thời hậu khủng hoảng bằng cách thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô ngắn hạn phù hợp và theo đuổi cải cách cơ cấu dài hạn nếu cần thiết. ADB cho rằng chi tiêu của chính phủ có thể giúp duy trì đà tăng trưởng và các ngân hàng trung ương cần phải kiểm soát khéo léo đòn bẩy tiền tệ để ngăn chặn lạm phát.

T.TRÚC (Theo AFP)

Đe dọa tụt hạng được đưa ra giữa lúc Đức và Pháp đang nỗ lực xúc tiến thành lập một liên minh tài khóa cho “Mái nhà chung châu Âu”. Hôm 4-12, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã có cuộc gặp tại Paris (Pháp) để bàn về hiệp ước mới nhằm tạo ra “nguyên tắc vàng” cho việc cân bằng ngân sách của các thành viên Eurozone. Theo đó, các nước sẽ đối mặt với các hình thức trừng phạt tự động nếu để thâm hụt ngân sách lớn. Hiệp ước mới còn xúc tiến quỹ cứu trợ lâu dài dành cho các nước thành viên trong tình trạng nguy cấp.

Thị trường tài chính sau cuộc gặp này đã có khởi sắc do giới kinh doanh cho rằng kế hoạch mới sẽ giúp bảo vệ những nước đang ngập trong nợ như Ý và Hy Lạp. Hiệp ước mới được kỳ vọng sẽ được thông qua vào tháng 3-2012. Chi tiết của hiệp ước sẽ được đưa ra thảo luận giữa các lãnh đạo EU tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ) vào cuối tuần này. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho rằng cuộc họp sắp tới sẽ quyết định sự sống còn của đồng euro.

Lãnh đạo Đức - Pháp cũng cảnh báo Thủ tướng Anh David Cameron rằng họ vẫn tiến hành hiệp ước mới dù có sự tham gia của xứ sở sương mù hay không. Trong khi đó, ông Cameron đang gặp khó khi Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi Duncan Smith cùng nhiều nghị sĩ của đảng Bảo thủ yêu cầu bất kỳ thay đổi nào trong quy chế của EU cần phải được thông qua bởi một cuộc trưng cầu dân ý tại nước này.

THUẬN HẢI (Theo Reuters, Telegraph)

Eurozone đang đứng trước hai sự lựa chọn: Tồn tại hay không tồn tại?

Chia sẻ bài viết