TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Một ước tính mới đây cho thấy, hiện có khoảng 14 triệu khách du lịch y tế, bệnh nhân có hộ chiếu. Con số này ngày càng tăng lên và được các quốc gia trên khắp châu Á quan tâm, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Thái Lan “ăn nên làm ra”

Bệnh viện Quốc tế Bumrungrad (Thái Lan), nơi “ăn nên làm ra” nhờ thu hút lượng lớn du khách y tế. Ảnh: SCMP
Trong nhiều năm qua khi người dân Hong Kong “chuộng” việc vừa đi du lịch vừa kiểm tra sức khỏe, Bệnh viện Quốc tế Bumrungrad (Thái Lan) đã bắt đầu nung nấu khai thác khía cạnh này. Kể từ đó, các dịch vụ tương tự trên khắp khu vực đã được “sinh sôi nảy nở”. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), trước khi các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 được áp đặt, khách du lịch y tế mỗi năm chi ước tính 600 triệu USD ở Thái Lan, đưa xứ Chùa Vàng vào tốp 5 thị trường nổi bật nhất thế giới. Trong một báo cáo hồi năm 2019, WTTC xác định Thái Lan là một trong những nền kinh tế mới nổi hàng đầu (cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Costa Rica) về chi tiêu cho du lịch y tế. Sở dĩ Thái Lan được nhiều bệnh nhân tìm đến như vậy là bởi nước này một mặt “xuất sắc” trong cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế, mặt khác nhờ những lời truyền miệng cho rằng bệnh viện tư nhân ở Thái Lan trông giống như các khách sạn hạng sang.
Với mong muốn thu hút khách du lịch y tế nhiều hơn nữa và cũng là một phần trong chiến lược 20 năm để đưa Thái Lan trở thành trung tâm y tế hàng đầu, Chính phủ Thái Lan hồi tháng 10 đã phê duyệt dự án xây dựng một khu phức hợp y tế quốc tế tại thành phố Phuket với chi phí ước tính lên tới khoảng 5 tỉ baht (tương đương 133 triệu USD). Ngoài việc điều trị cho bệnh nhân, trung tâm y tế mang tầm quốc tế này sẽ đóng vai trò như là một trung tâm đào tạo và sẽ gồm một cơ sở nghiên cứu và phát triển các dịch vụ y tế. Chưa dừng lại ở đó, trung tâm còn sẽ được trang bị cơ sở nha khoa tiên tiến đầu tiên ở miền Nam Thái Lan.
Philippines, Indonesia đặt mục tiêu lớn
Chính sự “ăn nên làm ra” của Thái Lan trong lĩnh vực du lịch y tế đã khiến thượng nghị sĩ Philippines Sonny Angara “sốt ruột”. Theo tờ Daily Tribune, ông Angara cho rằng đất nước ông có thể trở thành một trong những điểm du lịch y tế hàng đầu thế giới nếu như Chính phủ Philippines đưa ra các chiến lược tiếp thị hợp lý các chuyên gia và cơ sở y tế của nước này. Ông này tỏ ra tự tin rằng các chuyên gia y tế của Philippines có sức cạnh tranh toàn cầu và nổi tiếng về sự chăm chỉ và cống hiến, nhờ đó mà Philippines có thể là “ứng viên để trở thành một trong những điểm đến hàng đầu thế giới dành cho những người tìm kiếm dịch vụ chăm sóc y tế ở nước ngoài”.
Trong bối cảnh thị trường du lịch y tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên con số 53 tỉ USD vào năm 2028, ông Angara bày tỏ mong muốn giới chức Philippines cần đưa ra những động thái tương tự như giới chức Indonesia, nơi đang nhắm mục tiêu xây dựng Đặc khu kinh tế đầu tiên về y tế và du lịch ở bãi biển Sanur của tỉnh Bali. Theo tờ Antara News, dự án được thực hiện dưới sự hợp tác giữa Tổng công ty hàng không du lịch PT Aviasi Wisata Indonesia và Tập đoàn Chăm sóc Sức khỏe Indonesia. Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia Erick Thohir tin rằng sự phát triển của Đặc khu Du lịch và Y tế Sanur sẽ thúc đẩy nền kinh tế ở cả cấp quốc gia và địa phương. “Nó có tiềm năng khá lớn. Do đó, nó có thể trở thành một ưu tiên để phục hồi hoạt động du lịch ở Bali” - ông Thohir nhận định, đồng thời cho rằng dự án cũng sẽ có lợi cho người dân Indonesia, bởi nó cho phép họ được điều trị trong nước bằng các dịch vụ y tế đẳng cấp quốc tế tương tự như những dịch vụ mà họ tìm kiếm ở nước ngoài. Dự kiến, khoảng 123.000-240.000 bệnh nhân sẽ đến đây trị bệnh vào năm 2030 và đặc khu du lịch và y tế với vốn đầu tư lên tới 664 triệu USD này ước tính sẽ tạo khoảng 43.000 việc làm. Đến năm 2045, nơi đây sẽ giúp Indonesia “bỏ túi” thêm 1,28 tỉ USD.
Malaysia cũng đã thành công trong việc tiếp thị các dịch vụ y tế của nước này. Malaysia hồi năm 2020 thậm chí được Tạp chí Du lịch Y tế Quốc tế (Anh) trao giải “Điểm đến của năm” khi năm trước đó đã thu hút 1,22 triệu lượt du khách y tế. Theo Hội đồng Du lịch Chăm sóc Sức khỏe Malaysia (MHTC), khách du lịch y tế đến nước này chủ yếu là từ Úc, Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Singapore, Somalia, Anh và Mỹ. Và trong nỗ lực củng cố danh tiếng toàn cầu, MHTC đã và đang thúc đẩy Chương trình Chăm sóc Sức khỏe Cao cấp - nỗ lực hợp tác với nhiều bệnh viện tư nhân, khách sạn và công ty du lịch hàng đầu ở Malaysia, tích hợp tầm soát sức khỏe toàn diện, mang đến nhiều phương pháp điều trị khác nhau như điều trị viêm gan C, ung thư cũng như tầm soát các bệnh về tim mạch.