Bộ Quốc phòng Mỹ và New Zealand vừa ký kết “Tuyên bố Washington” như là hiệp ước hợp tác quốc phòng mới, tạo nền tảng để quân đội hai nước thiết lập các cơ chế hỗ trợ an ninh hàng hải, chống cướp biển, chống khủng bố, cứu trợ nhân đạo, ứng cứu thiên tai trên Thái Bình Dương và thúc đẩy các sáng kiến hỗ trợ duy trì hòa bình trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc và tổ chức đa phương khác.
Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Jonathan Coleman nhấn mạnh hiệp ước này phản ánh mối quan hệ gần gũi đang tăng lên mạnh mẽ trong 3 năm qua giữa Wellington và Washington, đặc biệt là sau Tuyên bố Wellington năm 2010 nhằm thiết lập cái mà ngoại trưởng hai nước gọi là “đối tác chiến lược mới” và chuyến thăm Washington hồi năm ngoái của Thủ tướng John Key.
Trong lịch sử, quan hệ quốc phòng giữa Washington và Wellington có một thời rất chặt chẽ, mà đỉnh cao là hiệp ước an ninh Anzus giữa New Zealand, Úc và Mỹ được ký kết năm 1951. Tuy nhiên, kể từ năm 1985, mối quan hệ quân sự giữa hai nước đã bắt đầu đóng băng khi New Zealand không cho phép tàu chiến của Mỹ có trang bị vũ khí hạt nhân hoặc tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân cập cảng, đồng thời sau đó còn ra lệnh cấm tương tự đối với tất cả tàu hải quân của Mỹ bởi Lầu Năm Góc từ chối khai báo tàu nào có hạt nhân hay không. Chính sách phi hạt nhân hóa của New Zealand và hành động xem thường chủ quyền quốc gia đối với nước nhỏ thời Chiến tranh lạnh của Mỹ đã khiến hiệp ước đó “đột tử”.
Lần này, các nhà phân tích cho rằng hiệp ước mới là một trong những nỗ lực của chính quyền Barack Obama nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương trước sự lớn mạnh đáng quan ngại của lực lượng hải quân Trung Quốc, đồng thời là dấu hiệu rõ nét cho thấy Wellington đang đẩy mạnh liên kết với cường quốc quân sự số một thế giới. Giáo sư Robert Ayson thuộc Đại học Victoria cho rằng hiệp ước này đã khẳng định New Zealand bây giờ “là một đồng minh trên thực tế của Mỹ”. Một trong những điều khoản thể hiện mối quan hệ quân sự đang nồng ấm trở lại là hai nước đồng ý thúc đẩy hợp tác “nhận thức hàng hải”- từ thường được dùng để đề cập đến việc chia sẻ thông tin tình báo trong lĩnh vực theo dõi các hoạt động trên biển. Mỹ cũng đang thỏa thuận tương tự với một số nước khác trong khu vực, trong đó có đồng minh thân cận Úc, nhằm kiềm chế ảnh hưởng quân sự và kinh tế của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, dù là một đồng minh quân sự của Mỹ, Bộ trưởng Coleman bác bỏ ý kiến cho rằng nước này không còn duy trì chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ. Phi Goff, người phát ngôn phụ trách các vấn đề đối ngoại của Công đảng cầm quyền, nêu rõ dù là nước nhỏ, New Zealand vẫn cần nhận được sự tôn trọng về các giá trị, nguyên tắc và lợi ích của mình từ bất kỳ nước lớn nào, kể cả Anh, Úc hay Mỹ. Đồng minh này rõ ràng vẫn giữ kẽ, thận trọng trong quan hệ với Mỹ.
KIẾN HÒA
(Theo AFP, Fairfaz, Herald)