28/07/2014 - 21:28

Dò tìm gót chân A-sin của Putin

Nhiều tháng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea (vốn thuộc Ukraina) và tăng cường hỗ trợ cho lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraina, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn tìm mọi cách để buộc Mát-xcơ-va thay đổi lập trường về cách giải quyết vấn đề.

Các cấm vận kinh tế và những đe dọa trừng phạt “nặng tay” của phương Tây vẫn chưa thể làm thay đổi thực trạng mà họ vẫn luôn cáo buộc, rằng Mát-xcơ-va gia tăng hậu thuẫn cho quân nổi dậy Ukraina, trong đó có việc cung cấp vũ khí và bắn pháo từ Nga vào các vị trí quân sự của Kiev. Hôm 27-7, Mỹ công bố các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho rằng Nga đã bắn rốc-két sang lãnh thổ Ukraina và tuồn đạn pháo sang biên giới cho lực lượng ly khai. Sự leo thang các hoạt động quân sự này của Nga không phải là kết quả mà phương Tây kỳ vọng từ các lệnh cấm vận trước đó của họ.

Các trừng phạt đến nay vẫn chưa gây tổn hại đủ nghiêm trọng để Tổng thống Nga Vladimir Putin thay đổi cách ứng xử cũng như nỗ lực ngoại giao của phương Tây vẫn chưa thể cô lập ông chủ Điện Kremlin. Sau khi Nga bị “trục xuất” khỏi Nhóm 8 nước công nghiệp hàng đầu (G8) và quan hệ hạn chế hơn với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thống Putin vẫn được mời đến Pháp để “sánh vai” cùng các lãnh đạo thế giới tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày quân đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy trong Thế chiến II. Hơn nữa, Paris cho biết vẫn giữ kế hoạch bán hai tàu chiến cho Mát-xcơ-va. Hợp đồng trị giá 1,2 tỉ euro này sẽ là vụ buôn bán vũ khí lớn nhất của một thành viên EU với Nga từ trước đến nay. Trong lúc này, Nga cũng tăng cường thắt chặt quan hệ với nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Từ thực tế này, giới chức Mỹ cho biết Washington hiện chưa có đối sách nào đủ mạnh để cô lập Nga khỏi các sự kiện ngoại giao quốc tế. Do đó, cấm vận vẫn là phương pháp chủ yếu.

Đặc biệt, sau khi chuyến bay MH17 chở 298 người của Hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi mà lực lượng đòi ly khai thân Nga bị tình nghi là thủ phạm, phương Tây đã có được sự ủng hộ mạnh hơn trong việc mở rộng trừng phạt Mát-xcơ-va. EU cho biết sẽ áp dụng các cấm vận bổ sung đối với Nga từ cuối tháng này nhắm vào ngành tài chính, vũ khí và sản phẩm công nghệ cao. Còn Mỹ cũng dọa sẽ tiếp tục mở rộng trừng phạt. Một trong những khó khăn của EU hiện nay vẫn là lo ngại về tác động trái chiều của các lệnh cấm vận tăng cường. Hiệp hội các phòng thương mại và công nghiệp Đức cảnh báo có khoảng 300.000 việc làm của nước này phụ thuộc vào hàng hóa xuất khẩu sang Nga. Đồng thời, Mát-xcơ-va có thể sẽ gây ảnh hưởng đến hơn 6.000 công ty Đức đang làm ăn ở Nga. Ngoài ra, sự phụ thuộc của EU vào nguồn cung khí đốt từ Nga cũng là vấn đề.

Dù phải chịu sức ép ngày càng lớn từ phương Tây, nhưng Nga chưa có dấu hiệu nhượng bộ. Điều này một lần nữa chứng tỏ Mỹ và EU vẫn khó tìm được “gót chân A-sin” của ông Putin để khai thác.

THUẬN HẢI (Theo Reuters)

THUẬN HẢI (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết