06/12/2021 - 21:32

Điều trị F0 tại nhà, y tế cơ sở quá tải 

Từ 20-11-2021, TP Cần Thơ chính thức triển khai điều trị F0 tại nhà. Đến nay, Cần Thơ đã có hơn 11.000 F0 đang điều trị tại nhà. Hiện nay, F1 đa số cách ly tại nhà. Vì thế, quận, huyện chuyển khu cách ly tập trung F1 thành khu cách ly, điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng mà không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để cách ly tại nhà.

Giảm áp lực cho bệnh viện

Đoàn Bộ Y tế, Sở Y tế kiểm tra công tác quản lý, theo dõi F0 điều trị tại nhà ở trạm y tế lưu động phường An Cư, quận Ninh Kiều.

Đoàn Bộ Y tế, Sở Y tế kiểm tra công tác quản lý, theo dõi F0 điều trị tại nhà ở trạm y tế lưu động phường An Cư, quận Ninh Kiều. 

Chị Trần T.V, F0 điều trị tại nhà ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, kể: “Khi tôi đi test PCR để chuẩn bị vô công ty làm thì có kết quả dương tính. Tôi báo Trạm Y tế và được hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà. Chồng tôi là F1 cách ly tại nhà nhưng ở riêng. Tôi chỉ bị hắt hơi, ho, gắt họng, sổ mũi nhẹ… Hằng ngày, nhân viên y tế đến nhà hỏi thăm sức khỏe và tư vấn cho tôi. Người dân xung quanh nhà rất thương tôi, thường xuyên gọi điện, nhắn tin hỏi thăm, mua trái cây cho tôi. Vì vậy, tôi rất yên tâm điều trị”.

Còn gia đình chị Đặng T.D.H, ở phường Lê Bình, quận Cái Răng có 3F0 điều trị tại nhà. Khi thấy mình bị sốt, ho, chị H mua test về tự test nhanh, kết quả chị và con gái dương tính. Gia đình báo Trạm Y tế lấy mẫu xét nghiệm PCR, kết quả gia đình 3 người (chị, con gái và chồng) đều dương tính. Cả nhà cách ly điều trị tại nhà. Trong 3 người, chị và con gái có biểu hiện bệnh, còn chồng chị không có triệu chứng. Theo chị H, cách ly tại nhà, được người thân hỗ trợ, chăm sóc, tâm lý thoải mái nên rất nhanh hồi phục sức khỏe.

Cô Nguyễn Thị Xê, Bí thư, Trưởng khu vực, tình nguyện viên sức khỏe khu vực Bình Phước, phường Phước Thới, quận Ô Môn, cho biết: “Phường triển khai điều trị F0 tại nhà, người dân xung quanh phản ánh sao chính quyền, y tế không đưa F0 đi cách ly, điều trị ở bệnh viện. Nhưng khi chúng tôi đến giải thích, người dân hiểu và đồng tình. F0 điều trị tại nhà chấp hành khá tốt việc cách ly, điều trị. Ai không chấp hành, dân phản ảnh thì cảnh sát khu vực đến nhắc nhở ngay”.

Bác sĩ Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ô Môn, cho biết: “Việc triển khai điều trị F0 tại nhà đã giảm áp lực cho các bệnh viện dã chiến, F0 thoải mái tâm lý hơn. Đa số F0 đang cách ly đều chấp hành tốt các cam kết đã ký với địa phương. Tuy nhiên, số F0 trên địa bàn ngày càng tăng, nên công tác quản lý điều trị tại nhà cũng ngày một phức tạp hơn. Y tế cơ sở càng thêm quá tải. Công tác chuyển tuyến các trường hợp F0 diễn tiến còn gặp khó khăn, do hiện tại các bệnh viện tầng 2, tầng 3 quá tải nên rất nhọc nhằn trong việc tiếp nhận. Một số trường hợp chỉ mới test nhanh dương tính, chưa có kết quả PCR khẳng định nhưng có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, diễn tiến nặng chuyển viện rất khó”.

Đoàn Bộ Y tế, Sở Y tế thăm hỏi  F0 điều trị tại nhà ở phường An Cư.

Đoàn Bộ Y tế, Sở Y tế thăm hỏi  F0 điều trị tại nhà ở phường An Cư. 

Y tế cơ sở vất vả

Hiện nay, phần lớn F0 điều trị tại nhà, Trạm Y tế thêm việc nên quá tải. Được sự quan tâm của Thành ủy, UBND thành phố, sự hỗ trợ nhiệt tình y, bác sĩ, sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, thành phố đã thành lập 62 đội y tế lưu động bổ sung cho các trạm y tế; đồng thời triển khai mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành hỗ trợ F0 từ xa qua điện thoại”. Ở các quận, huyện, tùy lượng F0 ở từng xã, phường, thị trấn mà phân công số lượng đội y tế lưu động phù hợp; các quận như Bình Thủy, Thốt Nốt vận động thêm gói thuốc A để hỗ trợ cho người dân. Quận Thốt Nốt vận động, trưng dụng 9 xe cấp cứu từ thiện (mỗi phường 1 xe) để hỗ trợ cấp cứu, chuyển viện.

Bác sĩ Đoàn Anh Tuân, Trưởng Trạm Y tế phường Phước Thới, cho biết: “Tính đến ngày 4-12-2021, trạm đang quản lý 303 F0 điều trị tại nhà. Ngoài Trạm Y tế lưu động, trạm cũng được thành phố tăng cường Đội Y tế lưu động với 4 sinh viên. Khi F0 có triệu chứng bất thường, gọi điện thoại thì trạm y tế cử người xuống đo SpO2 cho F0. Khi nồng độ dưới 96% sẽ gọi  báo Trung tâm Y tế quận Ô Môn đưa xe cấp cứu chuyển F0 về bệnh viện điều trị COVID-19”.

Sinh viên Trần Ngô Quang, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, thành viên một đội y tế lưu động, cho biết: “Em và các tình nguyện viên sức khỏe xuống nhà F0, F1 lấy mẫu xét nghiệm định kỳ, theo dõi, tư vấn sức khỏe. Mỗi thành viên trong đội phụ trách đến 75 F0, quá tải công việc nhưng chúng em cố gắng giúp người dân”.

Trước đây, ở trạm y tế, 1 người kiêm 3-4 chương trình y tế. Khi dịch COVID-19 bùng phát, nhân viên y tế càng rất vất vả và áp lực. Hiện nay, trạm y tế có 6 nhân viên với gần 30.000 dân vừa thường trú, tạm trú, đảm nhận công tác lấy mẫu, xét nghiệm, tiêm chủng, truy vết… rất khó khăn. Thành phố tăng cường 4 sinh viên hỗ trợ nhưng vẫn quá tải. Các nhân viên y tế phải làm việc xuyên suốt từ thứ hai đến chủ nhật. Bác sĩ Đoàn Anh Tuân cho biết: “Trên địa bàn phường có khu công nghiệp nên F0 rất nhiều. Cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên sức khỏe nỗ lực cố gắng hoàn thành công việc. Hầu như đêm nào cũng có 1-2 ca F0 gọi điện cấp cứu. Trạm cử nhân viên xuống, nếu đo SpO2 trên 96%, tư vấn F0 uống thuốc, dinh dưỡng, nghỉ ngơi...” 

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, trước đây F0 điều trị 3 tầng: 1, 2, 3. Từ ngày 20-11-2021, thành phố có điều chỉnh bệnh nhân tầng 1, không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ để cách ly, điều trị tại nhà nhằm giảm áp lực, quá tải bệnh viện và để tập trung điều trị bệnh nhân nặng ở tầng 2, 3. 

Mới đây, Bí thư Thành ủy Lê Quang Mạnh cùng lãnh đạo UBND thành phố đã đi kiểm tra công tác điều trị F0 tại nhà. Hiện ở trạm y tế, điều trị F0 nguy cơ trung bình và nguy cơ thấp. Bí thư Thành ủy yêu cầu các quận, huyện, thực hiện đầy đủ 3 bước: Y tế đến nhà F0 để đánh giá điều kiện sức khỏe, cơ sở vật chất... xác định F0 điều trị tại nhà hay cơ sở y tế. Sau đó, cấp thuốc, vận động mua máy đo SpO2 hoặc cho mượn, hướng dẫn dùng thuốc (gói A, B, C), cung cấp số điện thoại nhân viên y tế chịu trách nhiệm chăm sóc ca bệnh này. Bước 2 là theo dõi sức khỏe hằng ngày, có thể qua điện thoại, công nghệ thông tin để nắm tình hình. Bước 3 cần quan tâm công tác cấp cứu, chuyển viện; Bí thư, Chủ tịch quận, huyện không khoán trắng cho Trung tâm Y tế, mà phải quan tâm công tác này.

Đo SpO2 rất cần thiết với F0 tại nhà

Thành phố cấp 1.500 máy đo SpO2 cho y tế cơ sở, nhưng không đủ so nhu cầu. Giá máy SpO2 trên thị trường dao động từ 200.000-700.000 đồng/máy. Bác sĩ Lâm Tân Phương, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết: Việc đo SpO2 với F0 điều trị tại nhà rất cần thiết, đánh giá được bệnh nhân cần nhập viện hay không. Nếu SpO2 từ 97% trở lên thì rất tốt, nếu dưới 95% thì báo nhân viên y tế ngay để xác định nguyên nhân do đo không chính xác hay có bất thường thực sự. 

Để đo chính xác SpO2, móng tay của F0 phải được cắt gọn, không sơn, sạch sẽ. Nếu đo dưới 92% nên đo nhiều chỗ để so sánh. 

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết