05/12/2008 - 20:44

Để sản xuất lúa hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường

Trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam, ngày 4-12-2008 đã diễn ra “Hội thảo sản xuất và tiêu thụ lúa gạo bền vững vùng ĐBSCL” do Sở NN&PTNT TP Cần Thơ phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ NN & PTNT) tổ chức. Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà chuyên môn đã đặt ra yêu cầu cơ cấu lại nền sản xuất lúa tại ĐBSCL theo hướng gắn kết với nhu cầu của thị trường để phát triển bền vững.

* Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT): “CẦN TỔ CHỨC LẠI VIỆC SẢN XUẤT LÚA”

 

Sản xuất và tiêu thụ lúa tại ĐBSCL trong nhiều năm qua chưa thật sự bền vững. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi mùa vụ, việc thâm canh sản xuất, cơ cấu giống và chất lượng lúa giống; những diễn biến phức tạp của thời tiết, sâu bệnh và dịch bệnh trên lúa. Ngoài ra, còn do những hạn chế trong điều kiện phơi, sấy lúa, kho chứa, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất...

Để khắc phục những vấn đề trên, ĐBSCL cần sắp xếp thời vụ một cách hợp lý để có thể né rầy và các loại sâu bệnh cũng như tránh những tác động xấu của thời tiết. Nếu trước đây thời vụ xuống giống khoảng 3-4 tháng thì nay cần rút lại trong khoảng 45-60 ngày. Không nên kéo dài thời vụ xuống giống bằng việc duy trì các trà lúa sớm, nhất là lúa hè thu sớm, vì rất dễ phát sinh dịch rầy nâu và các bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa. Cần bố trí cơ cấu giống lúa sao cho phù hợp, liên tục thay đổi giống mới và đa dạng giống lúa. Nên trồng các giống lúa dẻo, thơm vào khoảng trên dưới 20% trong tổng diện tích canh tác, còn giống lúa có năng suất cao khoảng 60%, các giống lúa đặc sản địa phương khoảng trên dưới 20%. ĐBSCL sản xuất lúa thâm canh, làm tới 3 vụ/năm nên cơ cấu giống phải đa dạng, bởi nếu chỉ có một giống lúa mà gieo trồng trên nhiều diện tích rất dễ mất đi tính kháng rầy và các loại sâu bệnh. Thực tế cho thấy, trước đây mỗi giống lúa có thể sử dụng 10 năm, nhưng những năm gần đây, nhiều giống lúa chỉ mới sử dụng 2-3 năm đã bị “cháy” rầy do được sử dụng liên tục trên nhiều diện tích. ĐBSCL cần tổ chức hệ thống cung ứng lúa giống ở địa phương cho tốt hơn. Hiện nay, giống được các cơ quan chức năng ở địa phương cung cấp cho nhà nông dưới dạng chính quy chỉ đạt khoảng 30% trên tổng nhu cầu về giống, trong đó, chỉ có 9-10% được kiểm nghiệm. Nếu làm tốt việc cung ứng giống sẽ giúp tăng năng suất và chất lượng lúa lên đáng kể.

* Ông Mai Thành Phụng, Phó trưởng Bộ phận Thường trực Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh: “CÓ CHÍNH SÁCH ĐẢM BẢO DUY TRÌ ĐƯỢC DIỆN TÍCH TRỒNG LÚA”

 

Để đảm bảo yếu tố bền vững trong sản xuất lúa hàng hóa cần có sự liên kết chặt chẽ của “bốn nhà”. Trước hết, nông dân cần tự liên kết lại với nhau để gắn kết với một doanh nghiệp nào đó nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Nhà nước cần có các chính sách về quy hoạch sản xuất lúa, chính sách về đất lúa, về người trồng lúa, việc liên kết sản xuất, cơ giới hóa trong sản xuất, phát triển giao thông-thủy lợi nội đồng... Mục đích nhằm đảm bảo sự hấp dẫn đối với người trồng lúa để duy trì được diện tích sản xuất lúa tại ĐBSCL. Mặt khác, yếu tố bền vững trong sản xuất và tiêu thụ lúa còn gắn liền với việc dự báo thị trường tốt, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá bán sản phẩm và đảm bảo đầu ra cho lúa gạo. Đầu ra cho lúa của nông dân tại ĐBSCL còn rất bị động, trong khoảng 1,5 triệu ha lúa tại ĐBSCL thì chỉ mới có khoảng 300.000-400.000 ha được bao tiêu sản phẩm.

Hiện nay, sản xuất lúa tại ĐBSCL cũng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại dịch, bệnh hại lúa. Do đó, chúng ta cần có cơ cấu giống lúa tốt, có giải pháp kỹ thuật để trồng cây lúa khỏe. Người nông dân cần tuân thủ các quy trình kỹ thuật sản xuất lúa theo khuyến cáo của các ngành chức năng và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để hạ giá thành sản phẩm. Sản xuất theo quy trình IPM, thực hiện “3 giảm, 3 tăng”; thực hiện sạ thưa, sạ hàng, bón phân cân đối, áp dụng cơ giới hóa, thu hoạch lúa đúng độ chín, bảo vệ tốt lúa sau thu hoạch...

* Ông Nguyễn Hữu Quân, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT): “ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP LÀM GIẢM GIÁ THÀNH SẢN XUẤT”

 

Trong những năm qua, các dịch hại nguy hiểm đã đe dọa nghiêm trọng đến nền sản xuất lúa ở ĐBSCL như: rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, chuột... Do đó, cần áp dụng quản lý dịch hại theo hướng sinh thái và giảm dần sử dụng thuốc hóa học nhằm giảm chi phí sản xuất như: làm đất bằng máy lazer, giảm nước tưới thích hợp, áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sau thu hoạch (sử dụng máy gặt đập, phơi sấy, bảo quản lúa)... Trong đó, biện pháp tổng hợp “3 giảm, 3 tăng” trong thâm canh lúa cao sản ở ĐBSCL là một tiến bộ kỹ thuật đã được Bộ NN&PTNT công nhận. Từ năm 2003 đến nay, “3 giảm, 3 tăng” đã được chuyển giao đến hàng triệu nông dân trong vùng ĐBSCL áp dụng làm giảm chi phí sản xuất. Tới đây, cần mở rộng áp dụng “3 giảm, 3 tăng” theo hướng “1 phải, 5 giảm”.

* Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ: “SẢN XUẤT LÚA THEO HƯỚNG CHẤT LƯỢNG VÀ BỀN VỮNG”

 

Đối với TP Cần Thơ, tới đây diện tích sản xuất lúa sẽ không lớn như những năm trước. Xu hướng chung là vẫn giữ vững ổn định sản xuất lúa, từng bước cân đối và chuyển dịch sang ngành nghề khác theo tiến trình đô thị hóa của thành phố. Mục tiêu của TP Cần Thơ là sản xuất lúa chú trọng đến chất lượng thay cho số lượng. Trong nhiều năm qua, TP Cần Thơ cũng đã đẩy mạnh các giải pháp kỹ thuật, thay đổi quan điểm nhận thức của nông dân theo hướng sản xuất nông nghiệp chất lượng và bền vững thông qua chương trình “3 giảm, 3 tăng”.

Về mặt sản phẩm, ngành nông nghiệp thực hiện quan điểm đẩy mạnh sản xuất lúa đặc sản và cao sản chất lượng cao. Hiện nay giống lúa Jasmine chiếm trên 40% diện tích; khoảng 40% sử dụng các giống lúa chất lượng cao như: OM 2517, OM 4900, VD 95-20... Trong những năm qua, TP Cần Thơ không bị động bởi giống lúa chất lượng kém và khó tiêu thụ như các tỉnh khác trong vùng. Về hướng lâu dài, TP Cần Thơ sẽ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất giống chất lượng, đáp ứng nhu cầu giống cho sản xuất lúa hàng hóa ở ĐBSCL.

KHÁNH TRUNG - ANH KHOA
(Lược ghi)

KHÁNH TRUNG - ANH KHOA (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết