(CTO) - Giá nguyên vật liệu tăng cao, không có hợp đồng xây dựng mới là 2 yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến các doanh nghiệp (DN) ngành xây dựng trong quý cuối năm 2024. Dự báo quý I-2025, cả 2 yếu tố này tiếp tục tác động đến DN xây dựng. Chỉ số cân bằng chung âm trong quý đầu năm 2025, dù hợp đồng xây dựng mới được dự báo nhiều hơn quý IV-2024.
Sức chống chịu của DN suy giảm
Trong số 29.321 DN phản hồi điều tra xu hướng kinh doanh quý IV-2024 của Tổng cục Thống kê có 6.036 DN ngành xây dựng, cho thấy 2 yếu tố đầu vào quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN là hợp đồng xây dựng mới và nguyên vật liệu xây dựng. Quý IV-2024, có 45,7% DN gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao và 44,7% DN khó khăn do không có hợp đồng xây dựng mới.
Giá nguyên vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến các DN xây dựng (ảnh: Thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau). Ảnh: CTV.
Dự báo quý I-2025 so với quý IV-2024, DN xây dựng nhận định khó khăn hơn với 22,7% DN dự báo thuận lợi hơn; 45,9% nhận định giữ ổn định và 31,4% dự báo khó khăn hơn. Chỉ số cân bằng chung âm (-8,7%), với 22,7% DN nhận định thuận lợi hơn và 31,4% nhận định khó khăn hơn. Chỉ số cân bằng hợp đồng xây dựng mới quý đầu năm 2025 cũng khó khăn hơn quý cuối năm 2024 khi âm -3,1% (22,2% dự báo tăng và 25,3% DN dự báo giảm). Quý I-2025, các DN xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng dự báo chỉ số cân bằng hợp đồng xây dựng mới so với quý IV-2024 cao nhất với -1,4%; DN xây dựng nhà các loại -1,7% và DN hoạt động xây dựng chuyên dụng -7,2%.
Kết quả khảo sát cũng ghi nhận, chỉ số cân bằng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh quý I-2025 so với quý IV-2024 được DN dự báo khó khăn hơn với -3,4% (16,8% DN dự báo tăng và 20,2% dự báo giảm). Chỉ số cân bằng tổng chi phí sản xuất cũng giảm với 18,9% (36,8% DN dự báo tăng và 17,9% DN dự báo giảm). Các DN cũng dự báo, chi phí sản xuất trên 1 đơn vị sản phẩm tăng (36,8% dự báo tăng), có 45,3% dự báo không đổi và 17,9% DN dự báo tổng chi phí trên 1 đơn vị sản phẩm giảm.
Những khó khăn trên đã tác động đến năng lực hoạt động của DN. Kết quả khảo sát quý IV-2024 cho thấy, có 17,9% DN đánh giá hoạt động dưới 50% năng lực thực tế của DN; 29,6% DN đánh giá năng lực hoạt động từ 50% đến dưới 70%; 29% hoạt động từ 70% đến dưới 90%; 21% hoạt động từ 90 đến 100%; chỉ 2,5% hoạt động trên 100% năng lực thực tế của DN.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành xây dựng, tổng giá trị sản xuất kinh doanh các công ty ước đạt hơn 54.500 tỉ đồng, chỉ bằng 95,32% kế hoạch năm 2024 và bằng 92,29% so với thực hiện năm 2023. Khối DN sản xuất, kinh doanh vật liệu rất khó khăn, do biến động giá cả nguyên vật liệu, khan hiếm nguyên liệu,… dẫn đến nhiều DN thua lỗ, hoạt động kém khả quan.
Còn theo Tổng cục Thống kê, năm 2024, số DN xây dựng thành lập mới giảm 8,8% (với 15.800 DN thành lập mới) và 1.442 DN giải thể, tăng 10,1% so với năm 2023. Ngoài các yếu tố về giá nguyên vật liệu tăng cao, không có hợp đồng xây dựng mới thì khó khăn do nợ đọng xây dựng cơ bản không được quyết toán đúng kỳ hạn, thiếu vốn cho hoạt động, năng lực DN còn hạn chế, ảnh hưởng của thời tiết, khó khăn do tuyển dụng lao động… đã tác động đến hiệu quả hoạt động của DN trong năm qua. Bên canh đó, sức chống chịu của DN giảm đáng kể và chưa phục hồi hoàn toàn kể từ sau đại dịch COVID-19 đến nay.
Tìm cách vượt khó
Mặc dù gặp nhiều trở ngại trong quý cuối năm 2024, nhưng các DN ngành xây dựng vẫn kỳ vọng sự phục hồi khả quan của nền kinh tế năm 2025 sẽ tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Các DN dự báo quý I-2025, hợp đồng xây dựng mới nhiều hơn quý IV-2024 với 74,7% DN nhận định tăng và không đổi (22,2% nhận định tăng và 52,5% nhận định không thay đổi); có 25,3% DN nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận nhiều kiến nghị của DN đến Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong năm 2025. Có 46,3% DN đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu như đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng; 42,3% DN đề nghị được hỗ trợ về vốn vay; 40,7% DN đề nghị công khai, minh bạch các thông tin về đấu thầu; 34,6% đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính; 27,1% DN đề nghị được bàn giao mặt bằng sạch đúng kế hoạch để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký kết; 26,8% đề nghị phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để DN xây dựng quay vòng vốn cho hoạt động…
Các DN nhận định trong năm 2025, thị trường bất động sản có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục pháp lý để cấp phép các dự án cũ. Đây là cơ hội cho các DN xây dựng được ký kết thêm các hợp đồng xây dựng mới. Vì vậy, DN và nhà thầu xây dựng mong muốn thông tin về các dự án, gói thầu xây dựng được công khai, minh bạch hơn nữa. Bên cạnh đó, năng lực nội tại của nhiều DN nhỏ không thể tham gia đấu thầu các dự án lớn, nên DN, nhà thầu xây dựng rất mong muốn được tạo điều kiện để tham gia các hạng mục xây dựng nhỏ tại địa phương, nhất là những dự án từ nguồn ngân sách địa phương quản lý.
Ngoài ra, DN cũng mong muốn cơ quan nhà nước tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường điện tử hóa các giao dịch, thủ tục giấy tờ. Hướng dẫn chi tiết, phản hồi nhanh các hồ sơ, giấy tờ của DN đã nộp để DN bổ sung, sửa đổi kịp thời, nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí.
Năm 2025, ngành xây dựng được giao chỉ tiêu tăng trưởng đạt khoảng 10,7%-15%. Các DN ngành xây dựng rất kỳ vọng vào các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ được triển khai đồng bộ để tác động lan tỏa, hỗ trợ ngành xây dựng đạt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025. Bên cạnh đó, năm 2025, Chính phủ dự kiến giải ngân khoảng 790.727 tỉ đồng vốn đầu tư công cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, bố trí vốn cho các công trình giao thông quan trọng, trọng điểm… Các dự án đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội không chỉ là động lực cho tăng trưởng kinh tế, mà còn là cơ hội để DN ngành xây dựng tận dụng tạo ra các dư địa tăng trưởng trong năm mới.
Bài, ảnh: GIA BẢO