22/05/2022 - 14:16

Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ TP Cần Thơ:

Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới 

ÐAN NHƯ (thực hiện)

Công tác về Bình đẳng giới (BÐG) và Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) của TP Cần Thơ luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng thường xuyên của Ủy ban Quốc gia VSTBCPN Việt Nam, Vụ BÐG - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, HÐND, UBND thành phố, sự phối hợp nhịp nhàng của các cấp, các ngành trong thực hiện. Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác này, bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LÐ-TB&XH, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban VSTBCPN thành phố, cho biết:  

- Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã chủ động hơn trong việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về BÐG và VSTBCPN. Việc lồng ghép công tác giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố có sự quan tâm, chuyển biến tích cực.

Sở LÐ-TB&XH thành phố phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới của TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 103/KH-UBND về thực hiện Chiến lược Quốc gia về BÐG TP Cần Thơ, giai đoạn 2021-2030. Ðồng thời, phối hợp Vụ BÐG - Bộ LÐ-TB&XH tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và hoạt động của các cơ quan dân cử cho 110 nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tổ chức thành công tọa đàm, họp mặt nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, với chủ đề “Lồng ghép giới vào thực hiện chính sách BÐG, góp phần thực hiện hiệu quả BÐG và VSTBCPN TP Cần Thơ” với trên 100 đại biểu tham dự.

Năm 2021, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên Ban VSTBCPN thành phố không thành lập đoàn đi kiểm tra trực tiếp mà có văn bản gửi các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể và quận, huyện để rà soát, tự kiểm tra và báo cáo gửi đến Thường trực Ban VSTBCPN thành phố để tổng hợp báo cáo về Ủy ban Quốc gia VSTBCPN Việt Nam và UBND thành phố theo quy định. Qua đó, đã kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hiện BÐG tại địa phương, cơ quan, đơn vị…

* Năm 2022, Ban VSTBCPN thành phố đề ra những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm nào để thực hiện công tác BÐG trên địa bàn, thưa bà?

- Năm 2022 là năm các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tập trung rà soát, thu thập số liệu, thông tin trong phạm vi ngành, đơn vị, địa phương quản lý để phục vụ đánh giá 15 năm thi hành Luật BÐG. Sở LÐ-TB&XH thành phố đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành, quận, huyện báo cáo những nội dung liên quan; trong đó tập trung đánh giá kết quả, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật BÐG; thực hiện đánh giá đối với từng lĩnh vực công tác thuộc ngành quản lý theo Luật BÐG quy định. Ðồng thời, đề xuất những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung Luật BÐG để hoàn thiện và đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.

Mô hình Nữ Công nhân nhà trọ phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, được trang bị tủ sách pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về BĐG.

Song song đó, các cấp, các ngành, quận, huyện trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền BÐG và VSTBCPN; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về BÐG và công tác VSTBCPN; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong chỉ đạo và triển khai công tác BÐG và VSTBCPN. Trong đó, chú trọng công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; phân công, bố trí người làm công tác BÐG các cấp, nhất là ở cấp huyện, cấp xã; thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng, thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm, hằng năm của sở, ban, ngành, địa phương. Phối hợp tổ chức tốt lễ phát động Tháng hành động vì BÐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới TP Cần Thơ năm 2022.

* Với vai trò là Cơ quan thường trực Ban VSTBCPN thành phố, Sở LÐ-TB&XH thành phố đã đề ra những mục tiêu, giải pháp gì để tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác BÐG trên địa bàn thành phố, thưa bà?

- Sở LÐ-TB&XH tiếp tục phối hợp các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan chủ động tham mưu, triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu được đề ra tại Kế hoạch số 103/KH-UBND và các kế hoạch liên quan phù hợp tình hình thực tiễn tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Ðặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đa dạng các hình thức, hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và thực hành về BÐG trong các tầng lớp nhân dân, quan tâm đến việc tiếp cận của các nhóm người yếu thế, người khuyết tật nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, chú ý phổ biến chính sách, pháp luật về BÐG trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở.

Duy trì, nhân rộng và giới thiệu các mô hình, hoạt động thúc đẩy BÐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, dịch vụ hỗ trợ thực hiện BÐG trên địa bàn thành phố, nhân rộng những điển hình tốt. Hỗ trợ địa phương củng cố, nâng chất hoạt động các mô hình, câu lạc bộ đã triển khai, như: Câu lạc bộ Nữ Doanh nhân ở huyện Thới Lai và quận Thốt Nốt; Câu lạc bộ Nữ Công nhân nhà trọ ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy (Khu Công nghiệp Trà Nóc 1), phường Phước Thới, quận Ô Môn (Khu Công nghiệp Trà Nóc 2), phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt (Khu Công nghiệp Thới Thuận) và phường Phú Thứ, quận Cái Răng (Khu Công nghiệp Hưng Phú 2B); mô hình “Xây dựng, sửa đổi quy ước đảm bảo nguyên tắc BÐG” tại các xã, phường đã triển khai.

* Xin cảm ơn bà!

Chia sẻ bài viết