20/09/2012 - 21:13

CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH THỰC TẾ

Đâu là bản lĩnh văn hóa Việt?

Một số hình ảnh của các chương THTT phiên bản Việt có thể giống với phiên bản gốc nhưng không thể chấp nhận những sự học đòi đi ngược lại nét đẹp của bản sắc văn hóa Việt. Ảnh: 2sao.vietnamnet

Các chương trình truyền hình thực tế (THTT) đang nở rộ trên sóng truyền hình Việt Nam, từ các đài truyền hình địa phương cho đến đài truyền hình khu vực, đài truyền hình quốc gia. Mặc cho những scandal liên tiếp xảy ra, hằng đêm, hàng triệu khán giả vẫn theo dõi Vietnam Idol, The Voice, Vietnam’s Next Top Model…, thể hiện những hỉ, nộ, ái ố với các thí sinh, ban giám khảo, nhà sản xuất hay nhắn tin ủng hộ thí sinh, lên mạng tranh cãi, bày tỏ ý kiến về chương trình… Tất cả khiến cho những chương trình THTT vốn đã được quảng cáo đình đám càng trở nên "hot" hơn.

"Nhận diện" chương trình THTT

Sau một thời gian dài nở rộ của những game shows, nay là thời của THTT. Điều gì đã làm nên sức hút của các chương trình THTT? Những nghiên cứu về khán giả truyền thông cho thấy, ngày nay, khán giả không chỉ có nhu cầu ngồi trước màn hình xem một chương trình hay mà khán giả còn muốn phát biểu ý kiến, quan điểm của mình. Có thể nói các chương trình THTT đã "chạm" được đến nhu cầu của khán giả- nhu cầu tương tác với chương trình, với các nhân vật trong chương trình, tương tác lẫn nhau và nhu cầu thể hiện "quyền lực" của mình.

THTT hội đủ tất cả những yếu tố thu hút khán giả: thương hiệu, tên tuổi các nhân vật tham gia chương trình (ở vai trò người chơi hoặc vị trí giám khảo)… Vietnam Idol, Vietnam’s Got Talent, Vietnam’s Next Top Model, Bước nhảy hoàn vũ… đều là phiên bản của những chương trình THTT nổi tiếng của phương Tây. Chính vì vậy, nó đã ít nhiều được đảm bảo về độ thu hút đối với khán giả. Sự thu hút này càng được nâng lên khi trên ghế giám khảo hoặc ở vị trí người chơi là những tên tuổi đình đám trong giới showbiz, như Hồ Ngọc Hà, Thanh Thúy, Nguyên Vũ, Đàm Vĩnh Hưng, Xuân Lan… Đây lại là một điểm cho thấy THTT đánh trúng tâm lý của khán giả bởi khán giả luôn quan tâm, luôn muốn biết những người của công chúng hành xử như thế nào trong đời thật. THTT đưa đến cho khán giả hình ảnh đó thông qua những khóc, cười, giận dữ, cãi vã, mệt mỏi… của các sao.

Ở một khía cạnh khác, giống như sex, các yếu tố khơi gợi sự thương cảm, sự sợ hãi, sự giận dữ… cũng là những cách thức thu hút sự chú ý của khán giả. Vì sao Susan Boyle trở thành hiện tượng của Britain’s Got Talent 2009? Tất nhiên là cô có giọng hát hay nhưng không thể phủ nhận là chính ngoại hình của cô càng khiến mọi người tò mò nghe cô hát và ủng hộ cô. Sự tò mò và ủng hộ ấy càng mạnh mẽ hơn bởi tốc độ lan truyền chóng mặt của thông tin trên mạng Internet. Nếu Britain’s Got Talent có Susan Boyle thì Vietnam’s Got Talent có Vũ Khánh Vân, cô gái bạch tạng được ví là chim họa mi hay Phương Anh, cô gái xương thủy tinh với giọng hát hừng hực sức sống. Khánh Vân và Phương Anh đã góp phần thu hút cho Vietnam’s Got Talent một lượng khán giả khổng lồ.

Đâu là bản sắc văn hóa Việt?

Có thể thấy sự tương đồng giữa Susan Boyle và Khánh Vân, Phương Anh- sự tương đồng giữa hai phiên bản Britain’s Got Talent và Vietnam’s Got Talent. Vietnam’s Got Talent đã học Britain’s Got Talent trong cách khai thác sự tò mò, thương cảm đối với số phận của các nhân vật trong chương trình để thu hút khán giả? Nếu có, điều này hoàn toàn chấp nhận được vì phù hợp với văn hóa Việt. Trong khi đó, nhiều cách học đòi theo phiên bản gốc của các chương trình THTT vô cùng phản cảm.

Mặc dù các nhà sản xuất cho rằng khi mua bản quyền chương trình về tổ chức sản xuất lại tại Việt Nam, các chương trình THTT đã được xử lý lại để phù hợp với điều kiện, văn hóa của Việt Nam. Thế nhưng nhìn vào các chương trình THTT hiện nay vẫn khó nhận thấy bản sắc văn hóa Việt. Đơn cử như cách ứng xử của thí sinh và giám khảo. Người mẫu Xuân Lan sa sả mắng thí sinh, cách tuyên bố kết quả lạnh lùng của người mẫu Hà Anh trong Vietnam’s Next Top Model; các giám khảo của Vietnam Idol tỏ thái độ chê bai thiếu tôn trọng thí sinh… là những ví dụ rõ ràng nhất cho sự phản văn hóa Việt.

Ai đã từng xem American’s Next Top Model hay American Idol thì sẽ dễ dàng nhận ra những giám khảo, MC của Vietnam’s Next Top Model, Vietnam Idol đang cố gắng học đòi theo cách thể hiện của các giám khảo, MC của phiên bản gốc. Với văn hóa phương Tây, cách ứng xử như thế là bình thường. Nhưng với văn hóa Việt, vốn đề cao "lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" thì những "phiên bản" ứng xử ấy không hề được hoan nghênh. Có thể, với sự hiểu biết, bản lĩnh văn hóa của mình, các giám khảo, MC trong những chương trình THTT phiên bản Việt thừa biết mình phải cư xử như thế nào cho phù hợp, giữ được hình ảnh đẹp trước công chúng. Thế nhưng, vì sao họ lại hành xử như thế để gây phản ứng không hay từ dư luận? Chắc chắn đây cũng là những yếu tố nằm trong "kịch bản" thu hút khán giả.

***

Với xu hướng toàn cầu hóa trong lĩnh vực truyền thông, chắc chắn rằng trong thời gian tới những chương trình THTT nói riêng và chương trình truyền hình nói chung của phương Tây sẽ tiếp tục du nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Tất nhiên là các nhà sản xuất sẽ khai thác tối đa những chiêu trò của chương trình để thu hút tối đa lượng khán giả. Vậy, liệu bản sắc văn hóa Việt có thể đặt dấu ấn vào những chương trình THTT được mua từ phương Tây? Câu trả lời là hoàn toàn có thể nếu nhà sản xuất đầu tư nghiêm túc, đừng đặt lợi nhuận lên hàng đầu và thu hút khán giả bằng những yếu tố phù hợp văn hóa Việt chứ không phải bằng những scandal, những phát ngôn gây sốc hoặc những yếu tố không phù hợp do học đòi từ phiên bản gốc.

SỸ HUIÊN

Chia sẻ bài viết