11/05/2009 - 09:06

Đánh bom liều chết bùng phát trở lại ở Iraq

Hiện trường một vụ đánh bom tự sát ở Thủ đô Baghdad hồi tháng 4-2009.
Ảnh: AFP

Nếu như từ tháng 12-2008 đến tháng 3-2009, tại Iraq chỉ xảy ra 6 vụ đánh bom tự sát, thì trong vòng 2 tháng gần đây nước này lại chứng kiến cả thảy 25 trường hợp và được coi là làn sóng bạo lực tồi tệ nhất kể từ gần một năm qua. Điều đáng chú ý là những kẻ đánh bom ngày càng táo tợn khi nhằm vào các mục tiêu được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt trên khắp cả nước. Về vấn đề này, Steve Niva, giáo sư nghiên cứu chính sách quốc tế và Trung Đông của Đại học Evergreen (Mỹ) có bài nhận định trên trang web Thời báo châu Á ngày 8-5 như sau:

Tấn công tự sát đang trở lại là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến tại Iraq còn lâu mới kết thúc. Với gần 20 vụ đánh bom cảm tử, tháng 4 đã trở thành tháng đẫm máu nhất kể từ đầu năm 2009 với gần 300 dân thường thiệt mạng, so với 51 người hồi tháng 2 và 70 người trong tháng Giêng. Trong số đó, đáng chú ý là vụ đánh bom tự sát bằng xe thồ tại thành phố Mosul làm chết 5 binh sĩ Mỹ, con số thiệt mạng lớn nhất đối với quân đội Mỹ trong vòng một năm qua. Các căn cứ quân sự, đồn cảnh sát; các khu vực linh thiêng của người Shiite; các thủ lĩnh người Sunni thân Mỹ và binh sĩ Mỹ đều trở thành mục tiêu tấn công. Thực tế trên cho thấy những kẻ nổi dậy tại Iraq đang bất mãn với chính quyền do Mỹ hậu thuẫn, cũng như nỗ lực của Washington nhằm duy trì ảnh hưởng tại đây.

Kế hoạch rút quân của Tổng thống Mỹ Barack Obama không xác định rõ sự kết thúc chiếm đóng, chỉ chuyển sang hình thức khác mà nhiều người Iraq gọi là chủ nghĩa thực dân mới. Kế hoạch chỉ kêu gọi rút các lực lượng chiến đấu vào tháng 8-2010, trong khi 35.000-50.000 binh sĩ còn lại trên danh nghĩa sẽ giữ vai trò “hỗ trợ và cố vấn” an ninh cho đến cuối năm 2011, nhưng thực chất vẫn là lực lượng chiến đấu. Kế hoạch cũng không đá động gì tới số phận của hơn 100.000 lính đánh thuê và nhà thầu tư nhân Mỹ đang có mặt ở Iraq. Hơn nữa, 283 căn cứ và doanh trại quân đội, trong đó có 58 căn cứ quân sự của Mỹ không hề được đề cập. Ngoài ra, Lầu Năm Góc còn để ngõ khả năng sẽ ở lại Iraq thêm nhiều năm nữa nếu điều kiện an ninh chưa được đảm bảo.

Chính sự không nhất quán của kế hoạch rút quân và chính sách can thiệp của Mỹ có thể mang lại bất ổn cho quốc gia Vùng Vịnh này. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Iraq Mohammed al-Askari cảnh báo rằng: nếu Mỹ trì hoãn kế hoạch rút quân sẽ giúp al-Qaeda có cớ để thực hiện các hành động khủng bố như bắt cóc, đánh bom và giết người. Lịch sử tại Trung Đông cho thấy phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah đã ngưng sử dụng chiến thuật đánh bom liều chết khi quân đội Israel rút khỏi lãnh thổ Liban; còn tại Palestine, Hamas cũng hầu như chấm dứt hành động này sau khi Tel Aviv rút hết binh sĩ và người định cư Do Thái ra khỏi Dải Gaza năm 2005.

KIẾN HÒA (Theo Atimes)

Chia sẻ bài viết