30/06/2021 - 09:52

Đằng sau cuộc không kích của Mỹ tại biên giới Iraq - Syria 

Với quyết định không kích các cơ sở quân sự của những nhóm dân quân thân Iran ở biên giới Iraq - Syria sáng 28-6, Tổng thống Joe Biden cho thấy ông phải sử dụng vũ lực để bảo vệ những lợi ích của Mỹ, trong khi vẫn duy trì sợi dây liên lạc ngoại giao mong manh với Iran trong bối cảnh hai nước nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Tổng thống Mỹ Biden (phải) và người đồng cấp Israel Rivlin. Ảnh: AFP

Ngoài mặt, các quan chức Washington khẳng định 2 vấn đề trên là riêng biệt. Họ cho rằng Tổng thống Biden hành động theo Ðiều 2 Hiến pháp Mỹ để bảo vệ binh sĩ nước này bằng cách tiến hành không kích những địa điểm mà các nhóm dân quân dùng để phát động các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào lực lượng Mỹ tại Iraq. Phát biểu khi đang công du châu Âu, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh các cuộc không kích của quân đội Mỹ phát tín hiệu rằng Washington không do dự trong việc bảo vệ lợi ích tại Trung Ðông. Ông Blinken nói rõ hành động quân sự trên nhằm hạn chế nguy cơ leo thang nhưng cũng sẽ “gửi thông điệp răn đe rõ ràng”. Ðợt không kích được cho là sẽ không ảnh hưởng đến nỗ lực đưa Washington và Tehran trở lại tuân thủ JCPOA.

Tuy nhiên, 2 vấn đề trên lại liên quan mật thiết với nhau. Ðối với phía Iran, nhắm tới năng lực phát triển vũ khí hạt nhân nằm trong nỗ lực chứng minh Cộng hòa Hồi giáo là thế lực khó bị đánh bại trong lẫn ngoài khu vực Trung Ðông. Hiện nay, sức mạnh quân sự của Tehran đã được nâng cao nhờ kho vũ khí mới gồm các UAV hiện đại, tên lửa tầm xa và vũ khí không gian mạng ngày càng tinh vi. Không vũ khí nào trong số này được đưa vào thỏa thuận JCPOA. Trong khi đó, mục đích của ông Biden trong việc tìm cách hồi sinh JCPOA là sử dụng thỏa thuận này như bước đi đầu tiên để ép Iran giải quyết những vấn đề khác, bao gồm ngưng hậu thuẫn “các nhóm khủng bố” trong khu vực.

Mục tiêu tấn công của Mỹ hôm 28-6 là các cơ sở của 2 nhóm Kataib Hezbollah và Kataib Sayyid al-Shuhada. Kể từ tháng 4 đến nay, các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn đã thực hiện ít nhất 5 vụ tấn công bằng UAV cũng như phóng rốc-két vào các căn cứ có lính Mỹ và lực lượng phương Tây đang đóng quân trên đất Iraq.

Cam kết “không thể lay chuyển” đối với Israel

Ngày 28-6, Tổng thống Biden đã tiếp người đồng cấp Israel Reuven Rivlin thăm Washington, trong đó hai nhà lãnh đạo thảo luận về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực. Ðây là cuộc gặp đầu tiên của ông Biden trên cương vị chủ nhân Nhà Trắng với một quan chức hàng đầu của Israel. Tại cuộc thảo luận, Tổng thống Biden tái khẳng định cam kết “không thể lay chuyển” của Mỹ đối với lĩnh vực quốc phòng của Israel, bao gồm nhấn mạnh trong thời gian ông nắm quyền lãnh đạo sẽ không xảy ra việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân - điều mà Tel Aviv lo ngại.

Iran đã đạt được những tiến bộ đáng kể về năng lực hạt nhân và các loại vũ khí khác kể từ khi JCPOA có hiệu lực. Các quan chức cấp cao của Mỹ thừa nhận một trong những khuyết điểm của thỏa thuận cũ là thiếu đi yếu tố “lâu dài và mạnh mẽ hơn” và giải quyết chương trình phát triển tên lửa của Iran cũng như việc Tehran ủng hộ các lực lượng ủy nhiệm.

Cuộc gặp giữa hai tổng thống Mỹ và Israel diễn ra chỉ vài tuần sau khi ông Naftali Bennett tiếp quản ghế thủ tướng Israel, thay thế ông Benjamin Netanyahu. Chính phủ mới ở Israel cũng đã thể hiện sự dè dặt về việc khôi phục JCPOA, tương tự như quan điểm lâu nay của cựu Thủ tướng Netanyahu.

HẠNH NGUYÊN (Theo NY Times, Fox News)

Chia sẻ bài viết