06/07/2014 - 08:04

Đã qua những năm vàng

Theo tờ Guardian của Anh, cuộc khủng hoảng tài chính tại Khu vực đồng euro (Eurozone) trong những năm qua đã khiến xuất khẩu của Đức tại châu Âu suy giảm và Trung Quốc đang trở thành thị trường mới nổi quan trọng nhất của các tập đoàn lớn của nước Đức. Bản thân hai nền kinh tế lớn đang phụ thuộc vào nhau hơn bao giờ hết. Với tổng kim ngạch buôn bán lên tới 140 tỉ euro năm 2013, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại đơn lẻ lớn nhất của Đức. Kể từ năm 2005 đến nay được coi là “thập niên vàng” xuất khẩu của doanh nghiệp Đức vào thị trường Trung Quốc, trong đó kim ngạch tăng gần gấp đôi từ năm 2009, lên 67 tỉ euro hồi năm ngoái. Tuy nhiên, trên thực tế, nền kinh tế thứ hai thế giới cũng chỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, sau Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, nhất là khi Đức nhập khẩu tới 73 tỉ euro từ Trung Quốc, tức còn nhập siêu 6 tỉ euro.

Trong khi đó, các chuyên gia thương mại Đức nhận định “những năm vàng” kinh doanh tại Trung Quốc đã qua đi, khi mà tăng trưởng GDP của nước này đã giảm mạnh và Bắc Kinh đang áp dụng chính sách hạn chế nhập khẩu, đồng thời chủ động kích thích thị trường nội địa vực dậy kinh tế.

Mặt khác, việc tìm kiếm thêm cơ hội xuất khẩu mới tại Trung Quốc cũng không nhận được sự hoan nghênh của các nhà kinh tế Đức, bởi trong khi Trung Quốc chỉ chiếm hơn 6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức thì một số công ty tư nhân của họ phụ thuộc đến 40% thị trường Trung Quốc. “Các con số này làm tôi lo lắng. Không bao giờ là một tư duy tốt khi quá phụ thuộc vào một nước”- chuyên gia Klaus Myer của Trường thương mại quốc tế Trung Quốc - châu Âu bày tỏ chính kiến.

Ngoài ra, như nhận định của giám đốc Viện chính sách Nottingham về Trung Quốc, ông Steve Tsang, người Trung Quốc coi việc mua hàng hay lập liên doanh sản xuất với các tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới chỉ là một phương tiện để họ sao chép sản phẩm hoặc đánh cắp công nghệ từ công sức đầu tư nghiên cứu lớn của đối tác nước ngoài.

Tìm lại “thời vàng son” từ thị trường Trung Quốc xem ra không dễ cho bà Merkel trong chuyến công du lần này.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết