14/07/2022 - 20:41

Cuộc đua vũ khí siêu vượt âm ngày càng “nóng” 

Cuộc cạnh tranh phát triển vũ khí siêu vượt âm tiếp tục “nóng” lên sau xác nhận của Mỹ phóng thử thành công Vũ khí Phản ứng nhanh (ARRW) tăng cường từ máy bay chiến đấu, dấy lên lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang tiềm tàng làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm giữa các cường quốc.

Ngày 13-7, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo lực lượng Không quân phóng thử thành công 2 tên lửa siêu vượt âm do Tập đoàn Lockheed Martin phát triển. Vụ thử tiến hành ngoài khơi bờ biển California, trong đó tên lửa được đặt dưới cánh máy bay ném bom chiến lược B-52H trước khi phóng. Lockheed Martin khẳng định thử nghiệm thành công chứng tỏ ARRW có thể đạt và chịu được tốc độ siêu vượt âm khi vận hành. Ðộ an toàn cũng được xác nhận khi tên lửa tách khỏi máy bay và là dữ liệu quan trọng trong các lần thử nghiệm kế tiếp. Hiện Mỹ đã sẵn sàng cho các thử nghiệm toàn diện, bao gồm tên lửa đẩy và đầu đạn của nó vào cuối năm nay.

Một tên lửa ARRW dưới cánh máy bay ném bom chiến lược hạng nặng B-52 tại căn cứ Không quân Edwards. Ảnh: Air Force

Trong thử nghiệm khác, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) xác nhận phóng thành công lần đầu tiên tên lửa siêu vượt âm Operational Fires (OpFire). Ðây là hệ thống phóng từ mặt đất có khả năng tấn công nhanh và chính xác các mục tiêu quan trọng, xuyên thủng hệ thống phòng không hiện đại của đối thủ.

Loạt thành công trong thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm cho thấy nỗ lực của Mỹ trong lĩnh vực này. Hồi tháng 6, Washington đã tiến hành thử nghiệm nhưng thất bại đối với vũ khí siêu vượt âm thế hệ mới Common Hypersonic Glide Body (C-HGB), vốn dự kiến triển khai trên các hệ thống tên lửa của quân đội. Diễn biến này dấy lên tranh cãi về kinh phí cũng như làm gia tăng mối lo ngại Washington đang tụt hậu so với Nga và Trung Quốc trong cuộc đua phát triển các loại vũ khí có sức hủy diệt cao.

Cuộc đua mới giữa các siêu cường

Nga - Trung hiện là những nước gần như dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển vũ khí siêu vượt âm. Theo đó, Bắc Kinh đã thành công đưa vào hoạt động hệ thống tên lửa siêu vượt âm DF-17 với khả năng tấn công mục tiêu tầm trung. Nước này cũng chuẩn bị triển khai tên lửa chống hạm siêu thanh phóng từ máy bay ném bom mang tên CH-AS-X-13. Năm ngoái, Trung Quốc còn khiến các cơ quan giám sát Mỹ “sốc” với thử nghiệm đưa vũ khí siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào quỹ đạo.

Về phần Nga, Bộ Quốc phòng nước này hồi tháng 5 cho biết đã phóng thử thành công tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon, có tốc độ gấp 5-10 lần tốc độ âm thanh và tầm bắn tối đa khoảng 1.000km. Dự kiến, tên lửa này sẽ được triển khai trên một khinh hạm mới của Hạm đội phương Bắc trước cuối năm nay. Mát-xcơ-va cũng đang sở hữu tên lửa đất đối không siêu vượt âm Kinzhal, có tốc độ gấp 12 lần tốc độ âm thanh và khả năng tấn công hạt nhân với tầm bắn hơn 2.000km.

Mỹ và các đồng minh dường như bị tụt lại phía sau khi mới lần đầu thử nghiệm thành công vũ khí siêu vượt âm phóng từ máy bay chiến đấu. Nhằm bắt kịp đối thủ, Mỹ, Anh và Úc hồi tháng 4 nhất trí hợp tác phát triển vũ khí “siêu vượt âm và phản siêu vượt âm tiên tiến” thông qua hiệp ước AUKUS. Ðồng minh thân cận của Washington là Nhật Bản cũng bắt đầu phát triển tên lửa siêu vượt âm chống hạm với đầu đạn thiết kế đặc biệt để xuyên thủng boong tàu sân bay Trung Quốc.

Nguy cơ tính toán sai lầm

Trong bối cảnh cuộc đua vũ trang mới dần hé lộ, chuyên gia phân tích Timothy Heath tại trung tâm nghiên cứu RAND Corporation cho rằng mục đích các nước phát triển thiết bị siêu vượt âm là để “răn đe” đối thủ. Bởi có tốc độ cao và tầm bắn lớn, giới chuyên môn cho biết các thiết bị siêu vượt âm gần như không thể bị đánh chặn, đặc biệt trong các cuộc tấn công tầm xa nhắm mục tiêu trên bộ và trên biển.

Nhưng chính hoạt động này khiến căng thẳng leo thang khi các quốc gia gia tăng kho tích trữ vũ khí siêu vượt âm. Lợi thế trên cũng thay đổi quan điểm giữa các cường quốc về nhịp độ tác chiến hiện đại cũng như quyền chủ động của các đơn vị trên thực địa, trong đó cho rằng bên nào phản ứng nhanh hơn với khả năng triển khai vũ khí siêu vượt âm là có thể giành chiến thắng nếu đối thủ của họ thiếu phương tiện tương tự. Ðây là mối đe dọa đáng kể bởi nó làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm, dẫn tới các cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau. Ðặc biệt trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh như hiện nay, giới chuyên gia cho rằng tất cả các bên càng phải tìm cách xoa dịu mâu thuẫn và cải thiện cơ chế quản lý khủng hoảng để giảm thiểu nguy cơ xung đột.

Chia sẻ bài viết