11/05/2020 - 19:50

COVID-19 thổi bùng nạn kỳ thị tại Nhật Bản 

Tại xứ sở hoa anh đào, virus Corona chủng mới không chỉ gây ra dịch bệnh mà còn thổi bùng thái độ kỳ thị, bắt nạt những người bệnh, gia đình của họ và cả các nhân viên y tế.

 Ảnh: AP

Khi xét nghiệm dương tính với COVID-19 và nhập viện hồi đầu tháng 4, danh tính Arisa Kadono (ảnh) chỉ được xác định là một phụ nữ tầm 20 tuổi, làm việc trong ngành ăn uống. Vậy mà bên ngoài lại lan truyền những đồn đoán vô căn cứ, cho rằng quán bar mà Kadono phụ giúp là một ổ chứa virus hoặc cô trốn viện và phát tán virus… “Sự việc diễn ra cứ như tôi là tội phạm vậy” - Kadono chia sẻ sau khi kết thúc 3 tuần nằm viện điều trị. 

Nhà tâm lý học Reo Morimitsu tại Bệnh viện Chữ thập Đỏ Suwa lo ngại việc xa lánh, hắt hủi bệnh nhân COVID-19 có thể khiến một số người bệnh không dám tìm đến các trung tâm chăm sóc y tế, qua đó càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Tháng rồi, cảnh sát Nhật Bản phát hiện khoảng 10 người chết trong cô đơn tại nhà hoặc ngã gục trên đường và những người này sau đó được xác định dương tính với SARS-CoV-2.

Trong khi đó, khi đang dạo chơi cùng các con trong công viên ở thủ đô Tokyo, một nữ y tá đã bị vài bà mẹ tại đây đuổi đi. Một số y tá không được chào đón tại những nhà hàng mà họ thường xuyên ghé ăn hoặc bị tài xế taxi từ chối phục vụ. Ngay cả người nhà của họ cũng bị liên lụy, chẳng hạn như chồng không thể xin được việc do vợ là y tá. Các y bác sĩ “đánh cược” mạng sống mình để chăm sóc bệnh nhân COVID-19 là mục tiêu chính, song những người làm việc tại các cửa hàng tạp hóa, chuyển hàng và thực hiện các công việc cần thiết khác cũng đối mặt với nạn quấy rối. 

“Di sản” từ thời phong kiến?

Ngoài việc lo sợ nhiễm COVID-19, các chuyên gia cho rằng định kiến đối với cả những người thậm chí chỉ gián tiếp liên quan đến bệnh có lẽ bắt nguồn từ tư tưởng bám rễ lâu nay về sự tinh khiết và sạch sẽ trong văn hóa Nhật Bản, nơi bác bỏ những gì bị cho là lạ thường hoặc khó chịu.

Thời phong kiến, một số người Nhật theo đuổi các ngành nghề như thuộc da và giết mổ động vật bị “gắn mác” không sạch sẽ. Đến cả con cháu họ vẫn không thoát khỏi những ánh mắt kỳ thị. Ngoài ra, những người mắc các bệnh như phong cùi buộc vẫn phải sống cách ly nhiều thập niên sau khi y học tìm ra phương pháp điều trị. Những nạn nhân trong hai vụ ném bom nguyên tử của Mỹ xuống Nhật Bản năm 1945 hoặc những người bị thương trong các vụ tai nạn công nghiệp như nhiễm độc thủy ngân cũng bị đối xử tương tự. Gần đây hơn là vụ nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị phá hủy bởi thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011. Một số trường hợp di tản khỏi đây đến sống nơi khác đã bị bắt nạt.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gần đây đã phê phán hành vi kỳ thị người nhiễm COVID-19 là “đáng xấu hổ”. Bên cạnh đó, chính phủ cũng phát động chiến dịch nâng cao nhận thức và chống nạn kỳ thị. Theo hãng tin AP, một số nơi tại Nhật đã bắt đầu “nối gót” châu Âu phát đi những thông điệp cảm kích và ca ngợi các nhân viên y tế. Nhiều văn phòng cũng đang tiếp nhận những sự đóng góp và hỗ trợ khác cho các bệnh viện.

Tính đến nay, Nhật Bản ghi nhận gần 16 ngàn ca nhiễm COVID-19, trong đó có 624 người tử vong.

Xem xét bổ sung gói kích thích kinh tế

Ngày 11-5, Thủ tướng Abe cho biết chính phủ sẽ xem xét áp dụng thêm các biện pháp như hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn trả tiền thuê mặt bằng, hỗ trợ sinh viên mất việc làm thêm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cùng các khoản trợ cấp dành cho các công ty bị giảm doanh thu. Gói biện pháp mới này nhằm giúp giảm nhẹ những tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế Nhật Bản đang bên bờ vực suy thoái sâu.

Tháng trước, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra gói kích thích kinh tế 1.100 tỉ USD. Gói này tập trung vào các khoản thanh toán bằng tiền mặt cho các hộ gia đình và các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ bị tổn thương bởi đại dịch.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết