Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (tiếng Anh: United Nations Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment) là văn kiện pháp lý quốc tế đa phương thể hiện ý chí của cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới, kiên quyết loại bỏ ra khỏi đời sống hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo hoặc vô nhân đạo với con người, vì bất cứ lý do gì. Công ước này yêu cầu các nước phải có biện pháp hữu hiệu để phòng chống tra tấn trong nước mình và nghiêm cấm các nước trả lại người về đất nước của họ nếu có lý do để tin rằng (ở đó) họ sẽ bị tra tấn. Công ước Chống tra tấn là 1 trong 7 công ước cốt lõi về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Đến hết tháng 5-2019, Công ước đã có 166 quốc gia thành viên, 6 quốc gia đã ký nhưng chưa thực hiện phê chuẩn Công ước và 25 quốc gia chưa tham gia bất kỳ hoạt động nào liên quan đến Công ước. Trong khu vực ASEAN, hiện có 6/10 quốc gia là thành viên Công ước Chống tra tấn; 1 quốc gia thực hiện ký nhưng chưa phê chuẩn (Campuchia) và 3 quốc gia chưa tham gia (Singapore, Malaysia và Indonesia). Việt Nam ký kết Công ước chống tra tấn ngày 7-11-2013. Ngày 28-11-2014, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống tra tấn. Ngày 17-3-2015, Công ước chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam.
Công ước gồm Lời nói đầu và 33 điều, được chia thành 3 phần. Phần I: từ Điều 1 đến Điều 16 quy định về khái niệm “tra tấn” và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước trong việc ngăn chặn và xử lý các hành vi tra tấn. Bên cạnh việc đưa ra khái niệm “tra tấn” cụ thể và yêu cầu các quốc gia thành viên phải công nhận khái niệm này, Công ước chống tra tấn cũng đề cập đến trách nhiệm cụ thể của các quốc gia trong việc phòng chống tội ác tra tấn khi quốc gia đó tham gia Công ước này như sau: hình sự hóa hành vi tra tấn, quy định những hình phạt thích đáng đối với hành vi tra tấn (Điều 4); điều tra, truy tố và xét xử nhanh chóng, hiệu quả những hành vi tra tấn trong các hoàn cảnh khác nhau (các Điều 7, 8, 9, 12); phối hợp, hỗ trợ các quốc gia khác trong việc dẫn độ và xét xử tội phạm (Điều 7, 8, 9); không trục xuất, trả về, dẫn độ một người đến những quốc gia khác mà có lý do tin chắc là người đó có thể bị tra tấn (Điều 3); giáo dục, tuyên truyền về cấm tra tấn, bao gồm việc đưa vấn đề cấm tra tấn vào các luật lệ về chức năng, nhiệm vụ của các đối tượng có liên quan như cán bộ thực thi pháp luật, nhân viên dân sự, quân sự, y tế, công chức... (Điều 10); rà soát, giám sát và kiểm tra việc thực hiện các luật lệ có liên quan và các cơ sở giam giữ để bảo đảm hành vi tra tấn không xảy ra (Điều 11); bảo đảm các quyền tố tụng của bị can, bị cáo, các quyền khiếu nại, tố cáo và quyền được bồi thường của nạn nhân tra tấn, quyền được bảo vệ của nhân chứng và nạn nhân (các Điều 13, 14); không sử dụng lời khai lấy được từ sự tra tấn làm chứng cứ trong mọi giai đoạn tố tụng (Điều 15).
Phần II của công ước (từ Điều 17 đến Điều 24) quy định về việc báo cáo, giám sát Công ước và các bước do các bên tiến hành để thực hiện Công ước: thiết lập Ủy ban chống tra tấn; trao quyền cho Ủy ban để điều tra các cáo buộc tra tấn có hệ thống; thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp tùy chọn giữa các bên; cho phép các bên công nhận thẩm quyền của Ủy ban được nghe các khiếu nại, khiếu tố của các cá nhân về việc vi phạm Công ước của một bên ký kết (Điều 22).
Phần III của Công ước (Điều 25 đến Điều 33) quy định về hiệu lực, thủ tục gia nhập, bảo lưu, rút lui, thủ tục sửa đổi, bổ sung và giải quyết tranh chấp; cũng bao gồm một cơ chế trọng tài tùy chọn (không bắt buộc) đối với tranh chấp giữa các bên.
H.Y