27/01/2013 - 17:30

Cơ hội xa vời

Tại cuộc họp thượng đỉnh vừa diễn ra ở Chile, Liên minh châu Âu (EU) với đầy đủ quan chức cấp cao của khối và quốc gia thành viên và Cộng đồng các quốc gia Mỹ La-tinh và Caribbe (CELAC) đã đạt thỏa thuận tiến tới xây dựng lộ trình đàm phán thành lập khu mậu dịch tự do, mà khởi đầu là giữa EU và Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). Hai bên tái cam kết "tránh chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức và tán thành hệ thống thương mại mở, không phân biệt đối xử và dựa trên khuôn khổ đa phương được cộng đồng quốc tế chấp nhận".

EU và Mercosur đã thống nhất lộ trình đàm phán thương mại từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn "giậm chân tại chỗ" , vì chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mà cả hai đều đổ lỗi trách nhiệm cho nhau. Lần tái đàm phán mới này, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sự hợp tác giữa hai bên cần được dựa trên "các nguyên tắc, giá trị, phi rào cản thương mại ngay cả lúc khó khăn kinh tế hiện thời". Nữ Tổng thống Cristina Kirchner của Argentina, quốc gia bị châu Âu coi có chính sách bảo hộ mậu dịch "tồi tệ nhất" trong khu vực, thì nhấn mạnh tiến trình đàm phán mới sẽ không dựa trên các quyết định cũ hồi năm 2004 mà cần những cam đoan mới, nền tảng mới cho tất cả các bên, chứ không riêng gì Mercosur.

Phát biểu của bà Merkel và Cristina đã thể hiện sự khác biệt lớn trong nhận thức trách nhiệm của EU và Mercosur về rào cản thương mại ở quá khứ và thách thức trong tương lai. Niềm hy vọng có chung một thị trường 750 triệu người tiêu dùng và gia tăng kim ngạch thương mại trị giá 130 tỉ USD hiện nay là một viễn cảnh mờ mịt. Một EU, vốn đang tiếp tục lâm vào suy thoái kinh tế, muốn có thị trường tiềm năng từ khu vực có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong 10 năm qua và dự kiến phất lên gấp đôi vào năm 2030 là điều dễ hiểu nhưng không dễ thành hiện thực.

Theo hãng tin Reuters, châu Âu ngày nay với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Mỹ La-tinh, đang tìm cách khôi phục lại tầm ảnh hưởng tại khu vực mà họ từng là những người đầu tiên chinh phục cách đây 500 năm. Tuy nhiên, giờ đây gió đã đổi chiều, châu Âu cần Mỹ La-tinh hơn là ngược lại.

Cũng trong nỗ lực thúc đẩy thương mại nhằm vượt qua khủng hoảng tài chính tồi tệ, EU sẽ cử Cao ủy Thương mại Karel De Gucht đến Mỹ vào đầu tháng 2 tới với kỳ vọng hoàn tất công đoạn cuối chuẩn bị cho vòng đàm phán xây dựng thỏa thuận thương mại tự do. Hai nền kinh tế khổng lồ có tổng số dân hơn 800 triệu người này mà mở cửa thương mại cho nhau sẽ tạo ra một thị trường buôn bán sầm suất nhất thế giới. Các công ty Mỹ đang đầu tư tại châu Âu với số vốn "khủng" gần 1.900 tỉ USD và ngược lại, châu Âu đang đầu tư khoảng 1.600 tỉ USD tại Mỹ.

Tuy nhiên, hai đồng minh chính trị, quân sự và an ninh này không phải là đối tác thương mại dễ chịu của nhau. Vấn đề giữa họ không phải chất lượng hàng hóa, mà là vị thế và những quy định kiềm chế sức mạnh thương mại lẫn nhau. Vì vậy, dù hai bên đều muốn xóa rào cản thương mại để cùng nhau thoát khỏi nợ nần, trì trệ kinh tế nhưng theo ông Gucht, đàm phán với Mỹ là điều"cực kỳ khó khăn".

Cơ hội mở rộng giao thương vượt qua khó khăn của EU quả thật rất xa vời.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết