03/02/2021 - 10:41

Cơ hội khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (ảnh) vừa đề nghị Liên minh châu Âu (EU) đóng vai trò cầu nối đưa nước này và Mỹ trở lại tiến trình đàm phán hạt nhân.

Ảnh: Reuters

Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump tuyên bố rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ðức). Nhà Trắng đồng thời tái áp đặt tất cả các lệnh trừng phạt chống Tehran, mặc cho các đồng minh châu Âu can ngăn.

Phản đối hành động của người tiền nhiệm, tân Tổng thống Joe Biden lập luận rằng chiến dịch “gây sức ép tối đa” nói trên là phản tác dụng khi đẩy Iran rời xa thỏa thuận hạt nhân và khuyến khích nước này chống lại lợi ích của Mỹ. Tuy ủng hộ đàm phán trở lại, nhưng chính quyền mới của Mỹ cũng nói rõ tiến trình này sẽ không diễn ra nhanh chóng.

Theo Ngoại trưởng Antony Blinken, Iran trước tiên phải tiếp tục tuân thủ đầy đủ các điều khoản đã ký kết. Về phần mình, các nguồn thạo tin hồi tháng rồi tiết lộ Tehran dự kiến ra 7 điều kiện nối lại đàm phán với Mỹ, trong đó có yêu cầu Washington phải dỡ bỏ lệnh cấm vận trước. Tuần rồi, người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei tuyên bố nước này sẽ chặn các cuộc thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đối với các cơ sở hạt nhân của Iran nếu Washington không dỡ cấm vận.

Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Zarif trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin Mỹ CNN ngày 1-2 đã lên tiếng về việc tìm kiếm hướng giải quyết mới. Theo ông, Cao ủy EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell nên đóng một vai trò nhất định trên tư cách điều phối viên của thỏa thuận hạt nhân Iran, chẳng hạn như đề xuất hành động mà Mỹ lẫn Iran cần thực hiện. “Mỹ phải tuân thủ trở lại các điều khoản và Iran sẵn sàng đáp ứng ngay lập tức” - ông Zarif khẳng định.

Theo giới phân tích, phái ôn hòa ở Iran đang hy vọng nỗ lực kêu gọi chính quyền Biden dỡ bỏ trừng phạt có tiến triển trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ở nước này vào tháng 6 tới. Trong diễn biến tích cực, Nhà Trắng mới đây đã bổ nhiệm chuyên gia về Trung Ðông Robert Malley làm Ðặc phái viên về Iran. Ông Malley nhận được sự ủng hộ rộng rãi bởi từng là thành viên chủ chốt trong đội ngũ đàm phán JCPOA dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Trong diễn biến khác, Lầu Năm Góc cùng ngày xác nhận tàu sân bay Nimitz hiện neo đậu tại “cảng nhà” ở Bremerton sau đợt triển khai kéo dài hơn bình thường ở Trung Ðông. Trước đó, ông Trump đã ra lệnh giữ nhóm tàu này gần Iran sau đe dọa của Tehran nhắm vào các quan chức Chính phủ Mỹ.

Hôm 1-2, Bộ Quốc phòng Iran xác nhận đã hoàn thành việc phóng thử tên lửa mang theo vệ tinh với động cơ nhiên liệu rắn “mạnh nhất” cho đến nay. Năm ngoái, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã phóng thành công vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên Nour. Trước nay, Mỹ và phương Tây vẫn ngờ vực Tehran thông qua chương trình vệ tinh để phát triển vũ khí hoặc vì mục đích quân sự, bất chấp Cộng hòa Hồi giáo luôn phủ nhận.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết