04/12/2022 - 10:05

Cơ hội cho cuộc gặp Biden - Putin 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 1-12, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẵn sàng đối thoại với người đồng cấp Nga Vladimir Putin lần đầu tiên kể từ khi Mát-xcơ-va phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine nếu nhà lãnh đạo xứ bạch dương thực sự muốn chấm dứt cuộc chiến tranh này.

Tổng thống Mỹ Biden (phải) và người đồng cấp Pháp Macron tại cuộc họp báo chung hôm 1-12. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Biden (phải) và người đồng cấp Pháp Macron tại cuộc họp báo chung hôm 1-12. Ảnh: Reuters

“Thực tế là tôi không có kế hoạch liên lạc ngay với ông Putin. Tuy nhiên, tôi sẵn sàng đối thoại với ông ấy nếu ông ấy quan tâm đến quyết định tìm cách chấm dứt cuộc chiến. Nếu đúng là như vậy, sau khi tham khảo ý kiến của Pháp và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), tôi rất vui được ngồi lại với ông Putin để xem ông ấy nghĩ gì. Song, ông ấy vẫn chưa làm điều đó.” - ông Biden nói. Theo ông chủ Nhà Trắng, có một cách hợp lý để kết thúc cuộc chiến tại Ukraine là ông Putin rút quân khỏi Ukraine.

Về phần mình, Tổng thống Macron cho biết ông dự định đối thoại với ông Putin xung quanh vấn đề an ninh của Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu do Nga kiểm soát ở Ukraine, đồng thời kêu gọi nỗ lực “ngăn chặn leo thang và đạt được kết quả cụ thể”. Song, tương tự như ông Biden, ông Macron sẽ không muốn thúc ép Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào bất kỳ kế hoạch hòa bình nào mà nhà lãnh đạo này không chấp nhận. “Chúng tôi sẽ không bao giờ hối thúc người Ukraine thực hiện thỏa hiệp mà họ không thể chấp nhận được. Dù ông Zelensky thể hiện sự sẵn sàng để theo đuổi hòa bình nhưng công việc của chúng tôi là phải hợp tác với ông ấy” - ông Macron nhấn mạnh.

Theo Kênh France 24, cả ông Biden và Macron đều tuyên bố sẽ hỗ trợ lâu dài cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga, cam kết hợp tác để buộc Mát-xcơ-va phải chịu trách nhiệm và giảm thiểu tác động của cuộc chiến đối với phần còn lại của thế giới. “Chúng tôi sẽ tiếp tục mạnh mẽ hỗ trợ cho người dân Ukraine trong bối cảnh họ ra sức bảo vệ nhà cửa, gia đình cũng như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trước sự tấn công của Nga, vốn vô cùng tàn bạo” - Tổng thống Biden tuyên bố.

Theo Hãng tin ABC News, ngoài vấn đề Ukraine, 2 nhà lãnh đạo Mỹ, Pháp cũng đã thảo luận những thách thức do Trung Quốc đặt ra, đưa ra cách thức củng cố các nền kinh tế châu Phi và tuyên bố tiếp tục hỗ trợ người dân Iran. Cả 2 cũng vạch ra tầm nhìn chung về củng cố an ninh và tăng cường thịnh vượng trên toàn thế giới, chống biến đổi khí hậu, xây dựng khả năng phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy các giá trị dân chủ.

Chuyến thăm của Tổng thống Macron đến Mỹ là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên kể từ khi ông Biden lên nắm quyền vào đầu năm 2021. Tại buổi lễ tiếp đón chính thức vào sáng 1-12, ông Biden gọi vợ chồng Tổng thống Macron là “những người bạn thân”. Ông Biden nói rằng Pháp là “đồng minh lâu đời nhất” và là “đối tác vững chắc” của Mỹ, qua đó khẳng định quan hệ Washington - Paris sẽ “phát triển mạnh mẽ hơn trong nhiều thập niên tới”. Đáp lại, Tổng thống Macron đề cập đến các giá trị chung của Mỹ và Pháp, gọi 2 quốc gia là “anh em trong cuộc chiến giành tự do” và kêu gọi 2 nước “một lần nữa trở thành chiến hữu” giữa cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraine.

Tuy nhiên, mối quan hệ song phương cũng có lúc căng thẳng. Còn nhớ, Pháp hồi năm ngoái từng “nổi đóa” khi Úc hủy bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm trị giá hàng tỉ USD với nước này để đổi lấy quan hệ đối tác với Mỹ và Anh. Gần đây hơn, giới chức Pháp và các nhà lãnh đạo châu Âu khác bày tỏ quan ngại về các điều khoản về khí hậu và năng lượng có trong Luật Giảm lạm phát, trong đó trợ cấp thuế cho các công nghệ do Mỹ sản xuất liên quan đến năng lượng tái tạo, gồm các bộ phận cho xe điện. Giới lãnh đạo Liên minh châu Âu cho hay các khoản trợ cấp của Mỹ có thể vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới và sẽ có tác dụng tiêu cực đối với nền kinh tế của họ.

Phát biểu trước các nghị sĩ và chủ doanh nghiệp tại Đồi Capitol ngày 30-11, ông Macron đã bày tỏ sự thất vọng của mình khi khẳng định rằng các khoản trợ cấp cho doanh nghiệp Mỹ trong khuôn khổ các sáng kiến năng lượng xanh của Tổng thống Joe Biden là “sự tấn công mạnh” vào các doanh nghiệp châu Âu. Trước đó, trả lời phỏng vấn trên mục “Chào buổi sáng nước Mỹ” của Đài ABC, Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh rằng Đạo luật Chip và khoa học và Đạo luật Giảm lạm phát “rất tốt cho nền kinh tế Mỹ” nhưng “không hoàn toàn mang tính hợp tác với các công ty của châu Âu, mà chỉ làm mất đi sân chơi bình đẳng”. Trong cuộc gặp với ông Macron, Tổng thống Biden thừa nhận Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ có những “trục trặc” nhưng Washington sẽ không “xin lỗi” cho vấn đề này.  
Chia sẻ bài viết