Malala Yousafzai, nhà hoạt động nữ quyền người Pakistan từng giành giải Nobel Hòa bình năm 2014, vừa kết hôn tại Anh.
“Hôm nay đánh dấu một ngày quý giá trong cuộc đời tôi. Asser và tôi đã trở thành bạn đời. Chúng tôi đã tổ chức buổi lễ thành hôn nhỏ tại nhà ở Birmingham cùng gia đình”, Malala thông báo trên trang Instagram hôm 9-11. Chồng của nhà hoạt động nữ quyền nổi tiếng này là Asser Malik, Giám đốc hoạt động tại Hội đồng Cricket Pakistan ở thành phố Lahore.

Malala bên chồng mới cưới. Ảnh: news18
Malala báo tin vui chỉ 3 tháng sau khi cô trải qua cuộc phẫu thuật lần thứ sáu. Ðây là hậu quả của việc Malala bị bắn vào đầu cách nay 9 năm vì đấu tranh đòi quyền được đi học cho phụ nữ ở những khu vực do lực lượng Hồi giáo cực đoan Taliban kiểm soát tại Pakistan.
Khi nổi lên ở Pakistan năm 2007, Taliban cấm trẻ em gái đến trường. Lúc đó, Malala mới 10 tuổi nhưng đã dám đứng lên cất tiếng nói. Tháng 9-2008, cô bé có bài phát biểu trước truyền thông với tiêu đề “Tại sao Taliban tước quyền giáo dục cơ bản của tôi?” để phản đối việc Taliban đóng cửa trường học. Bất chấp sự cấm đoán, Malala tiếp tục đến trường, đồng thời kêu gọi các bạn gái không bỏ học. Cô còn viết nhật ký cho một tờ báo tiếng Anh để những người bên ngoài Pakistan biết được tình hình của đất nước mình.
Nhờ hoạt động tích cực, Malala được đề cử cho Giải thưởng Hòa bình cho Trẻ em Quốc tế năm 2011, rồi sau đó trở thành người đầu tiên nhận Giải thưởng Hòa bình Quốc gia dành cho thanh thiếu niên của Pakistan. Nhiều lần bị dọa giết, nhưng Malala không nghĩ Taliban sẽ làm hại một đứa trẻ. Tuy nhiên, vào ngày định mệnh 9-10-2012, cô đang trên xe buýt về nhà sau buổi học thì một tay súng nhảy lên xe và hỏi: “Malala là ai?”. Trong khi mọi người cúi mặt lo sợ, Malala dũng cảm nhận mình là người hắn đang tìm. Tay súng lập tức bắn thẳng vào đầu nữ sinh 15 tuổi, khiến cô nguy kịch, phải chuyển qua nhiều bệnh viện và cuối cùng sang Anh để giành mạng sống. Sau nhiều tháng phẫu thuật và phục hồi chức năng, Malala cùng gia đình an toàn trong ngôi nhà mới ở Anh.
“Chỉ sự hèn yếu, nỗi sợ mới chết đi”
Chín tháng sau khi sống sót, Malala tái xuất và có bài phát biểu dậy sóng tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ): “Tôi đứng đây, một cô gái trong số nhiều cô gái. Tôi cất tiếng nói không phải cho bản thân, mà cho tất cả trẻ em gái và trẻ em trai. Tôi cất to tiếng không phải để hét, mà để những ai không có tiếng nói có thể được nghe thấy. Những người đã đấu tranh vì quyền của mình: Quyền được sống trong hòa bình, Quyền được đối xử tôn trọng, Quyền bình đẳng về cơ hội, Quyền được hưởng giáo dục...”. LHQ sau đó chọn ngày 12-7 (sinh nhật của cô) là “Ngày Malala” - ngày của quyền được học hành của các bé gái và phụ nữ khắp hành tinh - nhằm làm nổi bật vai trò của những người trẻ trong hành trình mang giáo dục đến với trẻ em khắp thế giới.
Trong năm 2013 bội thu giải thưởng, Malala cùng cha lập Quỹ Malala để đẩy mạnh giáo dục cho bé gái và bản thân cô lọt vào danh sách 100 Nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới do Tạp chí TIME bầu chọn. Giải thưởng Hòa bình cho Trẻ em Quốc tế năm 2013 cũng được đặt vào đôi tay cô gái dũng cảm này. Một năm sau, ở tuổi 17, Malala trở thành người trẻ nhất trong lịch sử đoạt giải Nobel Hòa bình cao quý.
Năm ngoái, cô đã tốt nghiệp ngành Triết học, Chính trị và Kinh tế tại Ðại học Oxford danh giá ở Anh. Tuy cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, hiểm nguy, song Malala vẫn kiên định trên con đường đòi quyền cơ bản: quyền được đi học cho 130 triệu trẻ em gái trên hành tinh bởi nhiều em phải kết hôn sớm, làm việc hoặc ở nhà chăm sóc các em nhỏ hơn.
HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, NBC News)