13/11/2009 - 09:01

Chuyển vũ khí hạt nhân cũ thành điện

Nguyên liệu từ tên lửa hạt nhân chuẩn bị hủy tại căn cứ gần thành phố Nizhny Novforod của Nga được tái sử dụng làm nhiên liệu cho các nhà máy sản xuất điện. Ảnh: AFP

Nga và Mỹ vừa nối lại vòng đàm phán thứ tám, được xem là cuối cùng, về thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân mới thay thế hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược giai đoạn 1 (START-1) sắp hết hiệu lực vào ngày 5-12 tới. Tuy còn một số vấn đề quan trọng cần được nhất trí, nhưng theo các quan chức Mỹ và Nga, hai bên có thể lạc quan về hiệp ước mới. Nếu Nga và Mỹ tiếp tục cắt giảm số đầu đạn hạt nhân, thì đó sẽ là nguồn nguyên liệu “giá rẻ” để sản xuất điện.

Thời báo New York (Mỹ) hôm 9-11 cho biết khoảng 10% lượng điện tiêu dùng hiện nay tại Mỹ được sản xuất từ nguồn nhiên liệu bom hạt nhân đã được vô hiệu hóa, trong đó có một số nhập từ Nga (trong khi thủy điện chỉ tạo ra khoảng 6%, và các nguồn năng lượng mặt trời, sinh khối, gió và địa nhiệt khoảng 3%). Tuy nhiên, nguồn nhiên liệu này có thể không đủ cung cho nhiều khách hàng ở Mỹ, Nga và Pháp. Lo thiếu nguồn cung, các công ty vận hành 104 lò phản ứng hạt nhân tại Mỹ theo dõi từng bước những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Barack Obama trong các cuộc đàm phán với phía Nga về hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân. Bởi đây là nguồn nhiên liệu tiềm năng nếu Mỹ và Nga đồng ý cắt giảm vũ khí hạt nhân theo đàm phán thay đổi START-1.

START-1, được Liên Xô và Mỹ ký năm 1991, trong đó quy định cả hai nước phải cắt giảm các đầu đạn hạt nhân xuống còn 6.000 và các thiết bị phóng xuống 1.600, đồng thời đề ra thủ tục giám sát quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân. Trong tháng 7 vừa qua, tại Mát-xcơ-va, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và người đồng cấp Mỹ Barack Obama đã nhất trí rằng những cuộc đàm phán hiện nay phải dẫn tới một thỏa thuận để hai nước giảm xuống còn 1.500-1.675 đầu đạn hạt nhân và 500-1.000 thiết bị phóng. Hiện tại, Mỹ còn khoảng 2.200 đầu đạn hạt nhân, trong khi con số này ở Nga là 2.800.

Có thể nói, từ khi có chương trình chuyển đầu đạn hạt nhân thành điện (hay còn gọi là Chương trình biến Megaton thành Megawatt), các công ty điện hạt nhân của Mỹ như Pacific Gas & Electric hay Constellation Energy đã thu lợi lớn nhờ nguồn nhiên liệu giá rẻ này. Làm giàu uranium nguyên liệu thô tốn kém hơn nhiều so với chuyển đổi uranium đã làm giàu ở cấp độ cao thành uranium cấp độ nhiên liệu. Để tạo ra nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân sản xuất điện, uranium được làm giàu chưa tới 5% chất đồng vị U-235. Còn để sản xuất vũ khí, nguyên liệu được làm giàu tới 90% U-235. Theo Viện Năng lượng hạt nhân Mỹ, hiện nay nhiên liệu từ các quả bom cũ của Liên Xô chiếm tới 45% trong nhà máy điện hạt nhân của Mỹ.

N.MINH (Theo NYT, Washingtonpost)

Chia sẻ bài viết