Hôm nay (25-1), Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới Ấn Độ bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài 2 ngày tại quốc gia Nam Á này nhằm tìm kiếm một bước ngoặt mới trong mối quan hệ Mỹ-Ấn.
Giới chức Mỹ cho biết mục đích chuyến thăm lần này nhằm thảo luận việc đầu tư và cải thiện mối quan hệ liên minh mà giới phân tích lịch sử nhận định là "không đồng đều và có lúc căng thẳng", đặt nền móng cho các thỏa thuận tương lai giữa hai nước. Do đó, chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Obama có thể được coi nhằm thể hiện thiện chí hơn là tìm kiếm các hiệp định quan trọng.
Với chuyến thăm này, ông Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Ấn Độ 2 lần trong thời gian nhiệm chức (chuyến thăm đầu tiên diễn ra vào năm 2010), đồng thời là tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự cuộc diễu binh nhân Ngày cộng hòa 26-1. Sự xuất hiện của ông Obama còn mang tính biểu hiện tình đoàn kết giữa hai nền dân chủ được cho là lớn nhất thế giới trong bối cảnh cả hai bên phải đối phó với Trung Quốc - nước ngày càng tỏ thái độ muốn làm thay đổi cán cân quyền lực tại châu Á.

Người dân Ấn Độ háo hức chờ đón chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters
Việc ông Obama nhận lời dự lễ diễu binh còn là dấu hiệu cho thấy một hy vọng mới của Mỹ - rằng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, Ấn Độ và Mỹ sẽ trở thành đối tác chiến lược hiệu quả để đối trọng với Trung Quốc.
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ được dự đoán là nặng tính biểu tượng và đặt nhẹ hơn đối với những bước tiến to lớn khác, mặc dù vấn đề thay đổi khí hậu, kinh tế và quan hệ quốc phòng đều được đưa vào chương trình nghị sự.
Mặt khác, cả Mỹ và Ấn Độ đều đã bày tỏ thái độ quan ngại về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan. Đặc biệt, chuyến thăm diễn ra trùng với thời điểm căng thẳng leo thang trong mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan, sau vụ đấu súng giữa binh sĩ 2 nước tại khu vực dọc đường biên giới quốc tế ở Kashmir.
Trước thềm chuyến thăm của ông Obama, Ấn Độ và Mỹ cũng đã khôi phục các cuộc thảo luận về 2 hiệp ước quân sự gây tranh cãi giữa hai bên là Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần (LSA) và Hiệp định thư về An ninh và Trao đổi Thông tin (CISMOA). LSA đòi hỏi các lực lượng quân đội của hai nước phải cung cấp hỗ trợ hậu cần, tiếp nhiên liệu và trang thiết bị neo đỗ cho các tàu chiến và máy bay của hai bên. Hai nước cũng đang chuẩn bị thảo luận việc ký lại Hiệp định hợp tác quốc phòng song phương thời hạn 10 năm giữa hai nước.
NG. CÁT (Tổng hợp)