01/09/2013 - 19:47

Chuyện một người tù kháng chiến!

Trong số những kỷ vật trưng bày tại Khám Lớn Cần Thơ có hai món chính tay ông Năm Sỹ làm. Đó là chiếc bếp dầu dành “nấu cơm thành cháo” cho những người tù đau ốm nặng, và một mặt gối thêu gởi tặng mẹ - trước ngày ông bị đày ra Côn Đảo…

ĐỐT KHO XĂNG LỘ 19!

“Đế quốc Mỹ cút đi”, “Đả đảo Ngô Đình Diệm” - hai khẩu hiệu đanh thép hiện mồn một trên bảng đen, sau khi cô giáo bôi hết những làn phấn trắng. Mặt cô biến sắc. Cả lớp học xôn xao. Cô giáo đi nhanh xuống phòng hiệu trưởng. Sau đó, bọn an ninh thuộc ty công an ngụy (đối diện trường Đoàn Thị Điểm hiện nay) mau chóng có mặt tại lớp học. Sau một hồi nghiên cứu, hỏi han… chúng bỏ về. Từ ấy, trường lớp nơi đây bị chúng luôn theo dõi. Đó là việc “làm cách mạng” đầu tiên của ông, từ cái thời ông học trung học đệ nhất cấp Trường Phan Thanh Giản (nay là trường Châu Văn Liêm).

Ông Phan Thanh Sỹ (thứ hai từ phải sang) sau buổi giao lưu nói chuyện truyền thống cách mạng với giới trẻ phường Tân Phú (Cái Răng) ngày 30-8-2013.

Năm 1967, ông được giao nhiệm vụ “tìm cách vô làm ở kho xăng lộ 19”. Qua người bạn học nghèo đang làm công nhân ở đó, ông được gặp chủ thầu, rồi được nhận vào làm công nhân. Dần dần ông còn “chinh phục”, được chủ thầu cho vào ở trong nhà… Qua mấy tháng làm việc, ông đã vẽ sơ đồ, báo cáo với tổ chức đầy đủ về tình hình, qui luật hoạt động ở kho xăng. Rồi, ông được gặp Thành đội trưởng Nguyễn Việt Dũng (sau được phong tặng AHLLVT), nghe báo cáo tình hình, ông Dũng khẳng định “Có thể đánh!”. Và, chính ông Nguyễn Việt Dũng đã trực tiếp hướng dẫn ông về cấu trúc, cách sử dụng mìn nổ chậm tự chế. Có mìn rồi. Ông lại xin với chủ thầu cho ra ngủ chái nhà, vì: “Vừa đi học thêm, vừa đi làm thêm, sợ ảnh hưởng giờ giấc trong nhà…”. Ông ta đồng ý. Vậy là, ông giấu mìn bằng cách cột nó sát mặt dưới vạt giường…

Những ngày giáp Tết Mậu Thân… Thông thường, công nhân khi vào cổng sẽ bị khám xét. Tay bảo vệ cổng kho xăng sẽ vuốt từ hai bên nách xuống lưng quần, hai túi quần - ai mang theo ống quẹt sẽ bị tịch thu. Kích thước mìn bằng cỡ hai gói thuốc xếp liền theo chiều dài. Thoạt đầu ông thử cặp một cái hộp giấy cỡ vậy vào ống quyển, lấy thun cột lại, đi qua cổng, tưởng tượng đó là “mìn”... Một, hai, ba lần, tay bảo vệ không hề chạm tới ổng quyển, mà ông thì cũng không hồi hộp, lo sợ gì. Thế rồi, quả mìn được ông đem vào kho xăng trót lọt!

Để có chứng cứ “ngoại phạm”, ông báo với một công nhân khác là mình đi vệ sinh. Rồi nhanh như cắt, luồn vào khu vực chất cao những dãy thùng phuy đầy xăng, hành động! Khi về nhà, ngồi chờ tiếng nổ, ông mừng vì đã đặt mìn xong, lại lo nếu mìn không nổ… Cuối cùng, tiếng nổ mong đợi cũng vang lên. Một góc kho xăng nổ bùng, sáng lóa. Tim ông rộn ràng, khó tả. “Cháy kho xăng rồi!” - tiếng la hét náo loạn; tiếng xe cứu hỏa hụ còi inh ỏi… Sau đó, chủ thầu, công nhân đều bị sa thải. Vài hôm sau nữa, qua điều tra, xác định “lực lượng bảo an trong này đánh”, chúng lại cho mời chủ thầu và công nhân trở lại làm việc...

ÁN CHỒNG ÁN…

Khoảng tháng 5-1968, chuẩn bị cho “tổng công kích đợt 2”, ông bị bắt ở rạch Bà Hơn, xóm Chài. Sau một năm bị giam cầm qua ba bốn nhà lao với đầy đủ cực hình tra tấn dã man, ông bị đưa ra tòa án quân sự mặt trận lưu động vùng bốn chiến thuật. Chúng xử ông 15 năm khổ sai và 15 năm biệt xứ! Ông xác định, phải vượt ngục trước khi bị đi đày. Cùng án nặng như ông (từ trên 5 năm) có năm người khác, trong đó gồm hai chị. Với sự khởi xướng của ông, cả nhóm bàn cách vượt ngục. Khám lớn Cần Thơ tường cao, phòng giam kiên cố, hai ba lớp rào, thăm nuôi còn khó khăn, tìm sơ hở nào của địch? Biết người bệnh nặng sẽ được đưa qua bệnh viện Thủ khoa Nghĩa (sau này là Bệnh viện Đa khoa Trung ương), cả nhóm lần lượt giả bệnh… Nắm được tin “mật” gần đến ngày đi đày, năm anh chị kia đã lần lượt giả bệnh nặng, được đưa qua bệnh viện cả rồi! Đến lượt ông…

Sau bữa ăn chiều, ông uống bốn viên optalidon. Khi thấy hơi “xà quần”, ông lấy lông nhím (dù bọn cai tù canh gác nghiêm ngặt, nhiều vật dụng “cấm kỵ” vẫn được “tuồn” vào như dao, ống tube sắt…) đâm thật sâu vào đầu ngón tay, nút lấy nhiều máu. Lại dùng lông nhím lấy ráy tai, cho vào miệng, giả đau, ôm bụng quằn quại… Lát sau, ông ói ra máu. Cả phòng (thành án) xôn xao, người xức dầu, người cho uống thuốc… Rồi có tiếng kêu “giám thị ơi, phòng 5 có người bệnh” - giám thị phớt lờ. Lát sau lại có tiếng kêu “giám thị ơi, có người bệnh nặng” - vẫn không thấy phản ứng! Tiếng kêu ở phòng 5 nâng dần cấp độ, sau đó lên đỉnh điểm “yêu cầu đưa bệnh nhân đi cấp cứu, có người chết rồi!”. Vẫn không thấy cai tù động đậy! Đến lúc này, nhiều tiếng la vang lên khắp nhà giam, thành khẩu hiệu đấu tranh “yêu cầu, yêu cầu, yêu cầu”… Cuối cùng, ông được đưa qua bệnh viện, vẫn bị còng chân khi nằm trên băng ca trong xe!

Hôm sau, sáu người từ phòng giam bệnh viện được ra ngoài “trực sinh” (30 phút). Đến giờ G, cả nhóm nháy mắt nhau hành động… Vũ khí “chiến đấu” gồm ống nước bằng sắt, cây móc sắt - đã chuyển qua bệnh viện trong những chiếc gối ôm theo, giấu trong một hồ nước - nay vớt lên, và mỗi người lượm một cục đá, bọc vào chiếc khăn. Trại giam  (với hai giám thị) gồm hai dãy phòng đối diện nhau, cửa trại luôn khóa chặt. Một chị cảnh giới cho hai anh dùng ống sắt và móc sắt “quất” tên giám thị hành lang, hắn ngã khuỵu, cố giữ chặt súng, nhưng vẫn bị cướp và bị bắn chết, đồng thời tên giám thị gác cửa trại giam cách đó độ 20 mét cũng bị bắn trọng thương, bị lấy xâu chìa khóa. Song, trái với thông thường, lúc ấy cửa trại giam không khóa bằng ổ khóa mà khóa bằng còng số 8. Năm Sỹ lại nổ 2 phát súng mới phá được còng, mở cửa… Hai đôi nam nữ chạy nhanh ra khoảng sân, tiến về bờ tường bệnh viện giáp đường Lý Thái Tổ (nay là đường 30-4). Hai người nam khòm xuống cho hai người nữ leo lên vai, trèo qua tường, và hai người nam tiếp tục trèo ra, vượt thoát được. Vừa lúc ấy, địch từ bốn phía quanh bệnh viện đã kéo tới hàn kín đường… Năm Sỹ tiếp tục án ngữ; ông Tô Văn Tư do không thạo đường, bám sát theo. Địch áp vào, bắn Năm Sỹ bị thương, súng ông lại hết đạn… cả hai đều bị bắt - sau đó bị tống vào xà lim suốt 8 tháng!

Lúc ấy, nhiều người sợ… nếu Năm Sỹ “khai”, sẽ bể cả chi bộ nhà lao! Nhưng, ngay từ hồi đốt kho xăng, ông đã xác định - hoặc biến thành “cây đuốc sống” như anh hùng Lê Văn Tám, hoặc dẫu có vô tù, cũng nhứt định không đầu hàng! Do đó, trước những câu thẩm vấn “ai tổ chức vượt ngục”, “vượt ngục về ai đón?”, v.v... ông một mực nói “không ai xúi, không ai tổ chức, thấy bên nhà thương sơ hở thì anh em rủ nhau trốn!”. Sau, ra trước tòa thượng thẩm đại hình, ông cũng “lập luận” như vậy. Rốt lại, chúng buộc ông tội “cố sát”, kêu án chung thân khổ sai! Vậy là, “án chồng thêm án”! Nửa tháng sau phiên tòa ấy, chúng chuyển ông lên nhà lao Chí Hòa, vài tháng sau, thì đày ông ra Côn Đảo...

GIỮ GÌN PHẨM CHẤT

Ông Chín Đoàn (Mười Đại, tên thật Đỗ Văn Lai), 89 tuổi, nguyên Thành đội trưởng Cần Thơ trước giải phóng, hiện ở quận Bình Tân, TPHCM - cũng là tù chính trị ở Khám lớn Cần Thơ bị đày ra Côn Đảo, từng là trưởng ban chỉ đạo bí mật trại 5 Côn Đảo ngày 1-5-1975, có lần nói với tôi: Tù nhân chính trị ở Khám Lớn Cần Thơ gồm đa số người của ĐBSCL, trong đó có đông người Cần Thơ. Ông mến mộ Năm Sỹ (Phan Thanh Sỹ) vì biết Năm Sỹ có những hành động: đánh lại địch; vượt trại giam… Tuy Năm Sỹ vượt ngục không thành, nhưng kẻ địch rất ngán ngại, anh em tù rất mến mộ.

Ông Chín Đoàn nhớ lại: Khi ông (trong số 100 anh em) bị địch giải từ trại 7 sang trại 5 vào cuối tháng 8-1973, thì ông đã thấy Năm Sỹ ở phòng 3 đối diện… Giai đoạn 1973 - 1975, ở Côn Đảo có sự lãnh đạo của ban đại diện công khai, và một ban chỉ đạo bí mật (tức Đảng ủy). Ông Mười Đại (Chín Đoàn) lúc ấy là đại diện phòng 7, vừa là trưởng ban chỉ đạo trại 5; ông Năm Sỹ lúc đó trong ban chỉ đạo bí mật phòng 3, phó phòng công khai. Từ năm 1974, đến ngày 1-5-1975 (ngày tù chính trị Côn Đảo tự vùng lên giải phóng) - là cuộc đấu tranh cuối cùng mà trại 5 đã tiến hành, luôn luôn có sự tham gia đồng nhứt của toàn trại. Trong đó, sự lãnh đạo của Năm Sỹ ở phòng 3 đã góp phần đáng kể vào thành tích đấu tranh chính trị của trại 5. Với ông Chín Đoàn, “Năm Sỹ là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, dũng cảm, yêu nước trong thời gian bị tù đày. Ngoài đời, Năm Sỹ là người có bản lĩnh chính trị, đúng đắn, khiêm tốn, quan hệ tốt với mọi người…”.

Riêng ông Phan Thanh Sỹ, 69 tuổi - Phó Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến TPCT - quá trình công tác cho đến nay, đã được khen tặng cả Huân chương lao động hạng III, rồi hạng II. Nhưng ông “giữ kỹ” nhất vẫn là: Kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và Huân chương kháng chiến hạng I! Bởi đó là biểu trưng của thời kỳ gian khổ, hào hùng. Là “chiếc gương” ông soi rọi hằng ngày, tự nhắc mình luôn “Trong lao tù kiên trung bất khuất/ Sống ngoài đời gương mẫu, thủy chung”.

Bài, ảnh: NHƯ BĂNG

 

Chia sẻ bài viết