24/06/2020 - 10:15

Chủ động phòng, chống dịch bệnh bảo vệ đàn gia súc, gia cầm 

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), do tác động của thời tiết, từ những tháng đầu năm 2020 đến nay, khu vực ĐBSCL đã xuất hiện nhiều ổ dịch cúm A (H5N1) trên đàn gia cầm... Cùng với các tỉnh thành trong khu vực, TP Cần Thơ đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.

Lãnh đạo TP Cần Thơ khảo sát, kiểm tra tình hình nuôi gia cầm của hộ dân trên địa bàn huyện Cờ Đỏ.

Ngăn ngừa dịch cúm gia cầm

 Tại tỉnh Trà Vinh xuất hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm (cúm A/H5N1) vào tháng 2-2020, làm 1.704 con gia cầm chết. Ðịa phương tiến hành dập dịch, tiêu hủy và xử lý đàn gia cầm theo đúng quy định. Ở TP Cần Thơ vào ngày 18-4-2020 cũng xảy ra 1 ổ dịch bệnh cúm gia cầm tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn. Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, ngay sau khi nhận được tin báo đàn gia cầm tại một hộ chăn nuôi trên địa bàn phường Trường Lạc bị cúm, chết, ngành Nông nghiệp thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với dịch cúm gia cầm A/H5N1.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ đã tiến hành tiêu hủy đàn gia cầm trên theo quy định, tổ chức tiêu độc sát trùng khu vực lân cận và tiêm phòng để ngừa dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT thành phố yêu cầu Trạm chăn nuôi và thú y tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn; khuyến cáo người dân khi phát hiện đàn gia cầm có biểu hiện bất thường cần báo ngay cho ngành chức năng để kịp thời xử lý, không giấu dịch để dẫn đến hậu quả lây lan trên diện rộng. Ðịa phương chủ động giám sát dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn, nhất là những khu vực từng xảy ra dịch bệnh, khu vực có nguy cơ cao nhằm ngăn chặn, xử lý dịch bệnh xuất hiện; phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y tiêm phòng bệnh cúm gia cầm, vệ sinh tiêu độc thử trùng môi trường chăn nuôi và hướng dẫn phòng chống dịch bệnh trên tất cả các hộ chăn nuôi gia cầm…

TP Cần Thơ đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thành phố hiện có tổng đàn heo 101.408 con, đạt 78,6% kế hoạch năm; đàn bò 4.782 con, vượt 0,67% kế hoạch; đàn gia cầm 1.846.013 con, đạt 96% kế hoạch. Ðến nay, trên địa bàn thành phố không xảy ra dịch bệnh tai xanh ở heo và lở mồm long móng ở gia súc. Tuy nhiên, bệnh cúm gia cầm A/H5N1 đã xuất hiện 1 ổ dịch trên địa bàn TP Cần Thơ, mặc dù đã xử lý dứt điểm và không phát sinh thêm ổ dịch mới nhưng vẫn tạo nỗi lo cho ngành thú y và người chăn nuôi.

Bà Trần Thị Tuyết Mai ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: “Gia đình luôn chủ động tiêm phòng cho đàn vịt và tiêu độc, sát trùng khu vực chuồng trại định kỳ 15 ngày/lần để phòng ngừa cúm gia cầm.  Ðàn vịt  có hơn 2.700 con, gồm cả vịt đẻ và vịt giống. Theo từng thời kỳ sinh trưởng của vịt, tôi mua vắc-xin về tiêm phòng dịch, không chờ cơ quan chức năng nhắc nhở. Việc làm này bảo vệ đàn vịt, bảo vệ tài sản của mình và vừa bảo vệ sức khỏe cho gia đình, tránh bị dịch cúm gia cầm lây lan…”.

Tăng cường bảo vệ

Theo khuyến cáo của cán bộ thú y, hằng năm các vụ thu hoạch lúa hè thu, người dân có thói quen thả nuôi vịt chạy đồng (bắt ốc, lúa dưới ruộng), nếu các đàn vịt được thả trôi nổi không kiểm soát sẽ là nguy cơ xảy ra các ổ dịch bệnh gia cầm bùng phát trên diện rộng… Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, cho biết, ngành chăn nuôi và thú y thành phố đặc biệt quan tâm và không thể lơ là trong công tác giám sát, tích cực phòng chống dịch bệnh. Ðối với đàn nuôi mới, đàn hết hạn miễn dịch sẽ sớm tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm. Mặt khác, tăng cường giám sát ổ dịch và vùng lân cận, theo dõi chặt tình hình chăn nuôi trên địa bàn…

Ðể chủ động phòng, chống nguy cơ xâm nhiễm và lây lan dịch COVID-19 và các loại mầm bệnh nguy hiểm ở động vật, nhất là đối với dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan cao. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT; UBND TP Cần Thơ. Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cũng ban hành kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm năm 2020. Theo đó, chia làm 3 đợt trong năm: đợt 1 từ tháng 2-2020 đến tháng 3-2020 (đã thực hiện hoàn thành); đợt 2 từ tháng 5-2020 đến tháng 7-2020 (đang triển khai thực hiện); đợt 3 từ tháng 9-2020 đến tháng 11-2020. Ðối tượng tiêm là các đàn gà, vịt, ngan từ 14 ngày tuổi trở lên, sau 4 tháng tiêm nhắc lại 1 lần. Các hộ chăn nuôi gia cầm có quy mô dưới 2.000 con/hộ sẽ được hỗ trợ 100% chi phí tiêm phòng từ ngân sách thành phố…

Bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cờ Ðỏ, cho biết: “Tuy gặp không ít khó khăn trong phòng dịch do phần lớn người dân chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng các hộ chăn nuôi hiện nay đã có ý thức trong phòng, chống dịch bệnh nên đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ thú y huyện thực hiện tiêm vắc-xin cho đàn gia cầm của mình. Hằng năm, huyện Cờ Ðỏ triển khai và thực hiện tốt công tác này”.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, yêu cầu: “Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ động nguồn vật tư để phục vụ công tác tiêu độc khử trùng và vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh. Làm sao tất cả những đàn gia cầm thuộc diện tiêm phòng phải được tiêm đầy đủ, đồng thời việc tiêm phòng, tiêu độc khử trùng ở các cơ sở chăn nuôi tập trung phải được thực hiện nghiêm túc. Ngành chức năng hướng dẫn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thực hiện công tác này để không xảy ra dịch bệnh…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết