27/05/2008 - 12:48

Chính trường Liban diễn biến theo hướng nào?

Ông Suleiman tuyên thệ nhậm chức tổng thống ngày 25-5. Ảnh: AP

Về lý thuyết, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 18 tháng qua ở Liban, trong đó có 6 tháng không có người đứng đầu nhà nước, đã chấm dứt hôm 25-5 khi tổng tư lệnh quân đội Michel Suleiman được quốc hội nước này chỉ định làm tổng thống. Ngay sau đó, ông Suleiman, 59 tuổi, tuyên thệ nhậm chức với cam kết tôn trọng hiến pháp, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia.

Phát biểu trong lễ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ 6 năm, tướng Suleiman kêu gọi tất cả các đảng phái chính trị và toàn thể nhân dân Liban hãy đoàn kết nhằm xây dựng một “kỷ nguyên mới mà trong đó các lợi ích quốc gia được đặt lên trên lợi ích của đảng phái và tôn giáo”. Về quan hệ đối ngoại, ông tuyên bố Liban chủ trương củng cố quan hệ với các quốc gia A-rập, đồng thời sẽ nỗ lực tìm kiếm “quan hệ anh em” với Syrie dựa trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và độc lập dân tộc. Nhà lãnh đạo thuộc phái Cơ đốc giáo này còn khẳng định sẽ đưa ra một chiến lược phòng thủ quốc gia để khôi phục chủ quyền của vùng đồng bằng Chebaa đang nằm dưới ách chiếm đóng của Israel.

Giới phân tích cho rằng ông Suleiman sở dĩ tỏ ý muốn khôi phục “quan hệ anh em” với Syrie là nhằm thúc giục Damas chấm dứt hậu thuẫn cho nhóm Hồi giáo vũ trang dòng Shiite Hezbollah. Thời gian qua, trong vai trò tổng tư lệnh quân đội, ông luôn chứng tỏ sự trung lập của mình đối với cuộc xung đột giữa các phe phái. Hồi đầu năm 2007, ông từng từ chối thực thi mệnh lệnh của chính phủ trong việc tháo dỡ các chướng ngại vật trên đường phố do phe đối lập (mà dẫn đầu là Hezbollah) dựng lên để phản đối chính sách của Thủ tướng thân phương Tây Fouad Siniora. Đầu tháng 5 vừa qua, phe đối lập chiếm giữ khu vực phía Tây Thủ đô Beirut, lục soát các văn phòng và thậm chí đốt cháy một số cơ quan báo chí của giới lãnh đạo dòng Sunni thân chính phủ nhưng quân đội của ông Suleiman vẫn “án binh bất động”.

Người ta hy vọng tân Tổng thống Suleiman sẽ là nhân tố quan trọng trong việc tạo ra sự ổn định cho chính trường Liban. Thế nhưng, theo thỏa thuận đạt được về việc thành lập chính phủ hòa hợp dân tộc tại Qatar ngày 21-5 với sự trung gian của Liên đoàn A-rập, tầm ảnh hưởng chính trị của tổng thống bị hạn chế rất nhiều so với người tiền nhiệm Emile Lahoud. Trước đây, 30 ghế lãnh đạo của chính phủ được chia đều cho 3 phe, gồm phe thân thủ tướng, phe đối lập và phe ủng hộ tổng thống. Còn trong chính phủ sắp tới sẽ có 16 ghế của phe thân thủ tướng, 11 ghế của nhóm đối lập, trong khi phe tổng thống chỉ có 3 ghế.

Các nhà phân tích cho rằng thật khó mà dự báo tình hình Liban sẽ diễn biến theo chiều hướng nào bởi có quá nhiều thế lực quốc tế không ngừng can thiệp vào quốc gia này, nhất là khi Hezbollah và phe thân phương Tây vẫn đang theo đuổi những tham vọng chính trị của riêng mình.

PHÚC NGUYÊN

(Tổng hợp từ AFP, BBC, Le Monde)

Chia sẻ bài viết