05/08/2015 - 20:38

Chiến dịch tiêm vắc - xin sởi - rubella giúp trên 19 triệu trẻ phòng chống đồng thời cả hai bệnh

Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi – rubella miễn phí cho trẻ em từ 1 tuổi đến 14 tuổi trên toàn quốc từ tháng 4-2014 đến tháng 5-2015. Để hiểu rõ hơn về chiến dịch cũng như hiệu quả phòng 2 bệnh sởi và rubella cho trẻ khi được tiêm phòng vắc-xin, mới đây, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) Dương Thị Hồng.

* Phó Viện trưởng có thể cho biết vì sao Bộ Y tế triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi – rubella cho trẻ từ 1 – 14 tuổi?

- Sởi và Rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với trẻ em. Trong những năm qua, bệnh sởi tại Việt Nam đã được khống chế cơ bản nhờ triển khai tiêm chủng vắc-xin sởi cho trẻ em trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhờ vậy, số trường hợp mắc sởi giảm hàng trăm lần so với trước khi triển khai vắc-xin. Tuy nhiên, trong các năm gần đây tại nước ta vẫn tiếp tục ghi nhận tình trạng vi-rút sởi lưu hành, chủ yếu tập trung ở trẻ em và lứa tuổi thanh niên chưa được tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi. Dịch sởi quay trở lại trong năm 2014 cho thấy cần thiết phải tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi đủ mũi, đúng lịch.

Từ khi bệnh rubella được đưa vào giám sát cho thấy trong nhiều năm dịch rubella xuất hiện tại các địa phương trên cả nước với hàng ngàn đến hàng chục ngàn ca mắc, tập trung ở trẻ em và phụ nữ tuổi sinh đẻ. Kết quả giám sát điểm tại 3 bệnh viện nhi tuyến trung ương cho thấy, riêng trong các năm 2011-2012 đã ghi nhận 300 trẻ mắc hội chứng rubella bẩm sinh do mẹ bị nhiễm rubella trong quá trình mang thai. Các trẻ này bị mắc các dị tật nguy hiểm như: điếc bẩm sinh, tim bẩm sinh, đục thủy tinh thể bẩm sinh, chậm phát triển tâm thần và vận động, bệnh xương thủy tinh… và trên 80% số trẻ sinh này mắc đa dị tật. Tình trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ em và tạo ra gánh nặng đối với gia đình và xã hội, ảnh hưởng đến giống nòi. Tuy nhiên trước năm 2014, vắc-xin này chưa được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Vì vậy, để chủ động bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trẻ em, nâng cao miễn dịch cộng đồng, thực hiện khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cam kết với cộng đồng quốc tế về đạt mục tiêu loại trừ bệnh sởi và khống chế bệnh rubella tại khu vực Tây Thái Bình Dương trong thời gian tới, được sự hỗ trợ của GAVI (Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng) và các tổ chức quốc tế, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin sởi- rubella miễn phí cho trẻ từ 1 tuổi đến 14 trên toàn quốc từ tháng 9 năm 2014 đến tháng 5 năm 2015. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành y tế trong thời gian vừa qua. Chiến dịch này được đánh giá là có quy mô và số đối tượng lớn nhất kể từ khi triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Mục tiêu của chiến dịch là 95% trẻ từ 1 đến 14 tuổi trên toàn quốc được tiêm vắc-xin sởi-rubella, đảm bảo không bỏ sót đối tượng; đồng thời đảm bảo an toàn tiêm chủng và chất lượng tiêm chủng.

Tiêm ngừa sởi - rubella cho trẻ tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Ảnh: ĐOÀN LÝ

* Phó Viện trưởng có thể cho biết cụ thể công tác chuẩn bị và huy động nguồn lực của Bộ Y tế trước khi triển khai chiến dịch?

- Nhận thức được tầm quan trọng của chiến dịch đối với việc khống chế, loại trừ bệnh sởi và rubella cũng như tác động lớn của chiến dịch lần này đối với hệ thống tiêm chủng bởi, công tác chuẩn bị và huy động nguồn lực đã được Bộ Y tế, Dự án Tiêm chủng mở rộng, các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur chủ động thực hiện trước đó 1 năm .

Ngành y tế các tuyến tổ chức hội thảo, tập huấn cho hơn 3.000 cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện và trên 37.000 cán bộ y tế của hơn 11.000 xã trên toàn quốc. Đồng thời, bổ sung hệ thống dây chuyền lạnh đảm bảo đáp ứng cho các tuyến; thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia chiến dịch tiêm vắc-xin sởi-rubella với sự tham gia của các Bộ, ban, ngành liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Quân y và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng-Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ...

Ngành y tế đã tiến hành điều tra, lập danh sách đối tượng tại trường học, tại cộng đồng, rà soát các hộ gia đình có trẻ trong diện tiêm chủng chiến dịch, đặc biệt các vùng biên giới, hải đảo, vùng giáp ranh, vùng di biến động dân cư; tổ chức kiểm tra khâu chuẩn bị trước chiến dịch tại tất cả các phường,xã; truyền thông đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Đặc biệt, để chuẩn bị cho chiến dịch, ngành y tế đã tiếp nhận hơn 27 triệu liều vắc-xin sởi-rubella, hơn 310.000 chiếc hộp an toàn do GAVI hỗ trợ để cấp phát đủ cho các địa phương và bơm kim tiêm...

* Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi – rubella miễn phí cho trẻ từ 1 – 14 tuổi bắt đầu được triển khai từ tháng 9-2014. Xin Phó Viện trưởng cho biết chiến dịch đã được triển khai như thế nào và kết quả đạt được?

- Để phù hợp với khả năng và đảm bảo đạt mục tiêu, chiến dịch không thực hiện đồng loạt cho toàn bộ trẻ em từ 1-14 tuổi trên toàn quốc mà triển khai thành 3 đợt: Đợt 1 từ tháng 9-10/2014 cho trẻ từ 1-5 tuổi (sinh từ 2009-31/8/2013); đợt 2 từ tháng 11-12/2014 cho trẻ 6-10 tuổi (sinh từ năm 2004-2008) và đợt 3 từ tháng 1-2/2015 cho trẻ từ 11-14 tuổi (sinh từ năm 2000-2003).

Tuy nhiên, do đặc thù về địa lý, điều kiện đi lại khó khăn nên các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biệt lập triển khai theo phương thức tiêm chủng đồng loạt cho trẻ 1-14 tuổi và phân chia đợt chiến dịch theo địa bàn (cụm xã, cụm huyện).

Nhờ vậy, chiến dịch đã được hoàn thành trên phạm vi toàn quốc với hơn 19 triệu trẻ từ 1-14 tuổi được tiêm vắc-xin sởi-rubella trong chiến dịch đạt 98,2%; 100% số huyện đều đạt tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi-rubella trên 95%. Đồng thời, công tác kiểm tra chiến dịch được thực hiện tích cực tại tất cả các tuyến. Bộ Y tế, Dự án Tiêm chủng mở rộng, các Viện Vệ sinh dịch tễ/, Viện Pasteur đã tổ chức kiểm tra tình hình triển khai, đánh giá nhanh tỷ lệ tiêm chủng chiến dịch tại 30 tỉnh, thành phố cho thấy tỷ lệ đạt tương đương với kết quả báo cáo tại thời điểm kiếm tra. Các đoàn kiểm tra đã kịp thời nhắc nhở các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt mục tiêu 95% tiến hành tiêm vét các đối tượng bị tạm hoãn tiêm, bị bỏ sót, vận động cộng đồng. Chiến dịch đã huy động được nguồn nhân lực rất lớn cả trong và ngoài ngành y tế.

Việc triển khai thí điểm và theo tiến độ tổ chức chiến dịch tại các địa phương đảm bảo an toàn, không xảy ra tai biến nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ, thông tin được chuyển tải và lan tỏa tới các tuyến đã giúp cộng đồng và các bậc cha mẹ hoàn toàn tin tưởng và tích cực đưa trẻ đi tiêm vắc-xin trong chiến dịch. Một số phản ứng sau tiêm chủng đã được các chuyên gia của các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur và các chuyên gia nhi khoa phân tích, đánh giá và xử trí kịp thời, không xảy ra các rủi ro đáng tiếc đã góp phần quan trọng vào thành công của chiến dịch.

Để ghi nhận những đóng góp của cán bộ y tế và các ban, ngành, đoàn thể các tuyến, đã có 30 đơn vị và cá nhân được đề xuất tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 1.060 đơn vị và cá nhân được đề xuất tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế.

* Phó Viện trưởng có thể cho biết về kế hoạch triển khai tiêm vắc-xin sởi – rubella trong Chương trình tiêm chủng mở rộng?

- Tiếp theo thành công của chiến dịch, vắc-xin sởi-rubella đã được đưa vào tiêm chủng thường xuyên trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm miễn phí cho trẻ 18 tháng tuổi từ tháng 5-2015.

Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella cho trẻ 1-14 tuổi còn khoảng 3 triệu liều. Số vắc-xin này sẽ tiêm miễn phí cho khoảng 2 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-35 tuổi) tại khu công nghiệp, vùng nguy cơ cao, khu vực giáp biên giới... để phòng hội chứng rubella bẩm sinh ở trẻ. Vì số lượng vắc-xin có hạn nên dự kiến sẽ ưu tiên tiêm cho những vùng có nguy cơ cao như: nơi có tỷ lệ tiêm chủng trong nhiều năm thấp, vùng giáp biên giới, biến động dân cư lớn, khu công nghiệp, vùng có diễn biến dịch tễ phức tạp... Mỗi trường hợp chỉ cần tiêm 1 mũi sởi-rubella đã có tác dụng phòng bệnh. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang xây dựng kế hoạch, hướng dẫn chi tiết để trình lãnh đạo Bộ. Dự kiến sẽ tiêm vào quý 4-2015, cố gắng tiêm sớm nhất để phòng dịch bệnh vào mùa đông - xuân...

* Xin trân trọng cảm ơn Phó Viện trưởng!

THU PHƯƠNG (TTXVN- thực hiện)

Chia sẻ bài viết