 |
Tổng thống Syrie al-Assad (phải) và Thủ tướng Iraq al-Maliki trong cuộc gặp ở Thủ đô Damas của Syrie hồi tháng 10-2010.
Ảnh: presidentassad.net |
Báo Bưu điện Washington ngày 9-10 cho biết bất chấp làn sóng trỗi dậy đòi thay đổi chế độ ở Syrie hơn 6 tháng qua, Iraq vẫn hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, cản trở một trong những mục tiêu trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ, khiến giới chức Nhà Trắng lo ngại Iraq đang chệch dần khỏi quỹ đạo của Mỹ để ngã về phía đối thủ Iran.
Theo báo Bưu điện Washington, lập trường của Iraq trong vấn đề Syrie đã “giáng một đòn đau” vào nỗ lực của Washington trong việc tập hợp những nước Hồi giáo đồng minh nhằm cô lập chính quyền của Tổng thống al-Assad. Trong khi một số nước A-rập hạ thấp quan hệ với al-Assad, Baghdad vẫn đi theo hướng ngược lại, tiếp đón các chuyến thăm chính thức của quan chức Syrie, ký kết các hiệp định nhằm mở rộng các mối quan hệ thương mại và ủng hộ Syrie về mặt chính trị.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình Iraq ngày 30-9 vừa qua, Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki khẳng định Baghdad phản đối mọi âm mưu hòng lật đổ chế độ ở Syrie. “Chúng tôi tin tưởng rằng Syrie có thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay bằng các kế hoạch cải cách”- ông al-Maliki nói, nhắm vào việc Mỹ kêu gọi nhà lãnh đạo Syrie phải ra đi.
Phát biểu của Thủ tướng al-Maliki cho thấy ông có cùng quan điểm với Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, người mà trước đó đã nhấn mạnh “nên để người Syrie thực thi các kế hoạch cải cách cần thiết của chính họ”. Nhiều động thái gần đây của chính quyền Thủ tướng al-Maliki cũng thể hiện Baghdad có hướng thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Iran và thoát dần ảnh hưởng của Mỹ, đơn cử như việc Baghdad ủng hộ quyền phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích dân sự của Iran hay việc công khai đứng về phía Palestine trong chiến dịch vận động gia nhập Liên Hiệp Quốc, bất chấp sức ép chống đối từ Mỹ và “đồng minh cật ruột” Israel.
Theo báo Bưu điện Washington, các quan chức Mỹ cũng thừa nhận sự thất vọng của họ đối với Iraq trong vấn đề Syrie, đồng thời cho biết nhiều nước Trung Đông miễn cưỡng theo kế hoạch của Mỹ để quay lưng lại với chính quyền của Tổng thống al-Assad vào thời điểm mà kết quả của cuộc nổi dậy ở Syrie vẫn chưa chắc chắn.
Giới nghiên cứu về Trung Đông cho rằng al-Maliki - một tín đồ Hồi giáo dòng Shiite từng sống lưu vong ở Syrie gần 15 năm - có đủ lý do về chiến lược lẫn tôn giáo để tránh một cuộc đối đầu trực tiếp với al-Assad. Lãnh đạo cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite chiếm số đông ở Iraq và thiểu số người Alawite - một nhánh của dòng Shiite - cầm quyền ở Syrie có chung lo ngại về lực lượng nổi dậy do người Hồi giáo dòng Sunni chỉ huy. Nhiều người Iraq sợ rằng một cuộc lật đổ bạo lực nhằm vào người Alawite ở Syrie sẽ khơi mào cho làn sóng bất ổn mới ở Iraq.
NHẬT QUANG
(Theo Washington Post)