08/11/2012 - 20:38

Chế tạo pin quang điện hoàn toàn bằng vật liệu carbon

Ảnh: Đại học Stanford
 

Các nhà khoa học ở Đại học Stanford (Mỹ) vừa thử nghiệm thành công loại pin năng lượng Mặt trời đầu tiên cấu tạo hoàn toàn từ carbon. Theo họ, vật liệu carbon có thể mang lại năng suất cao với chi phí thấp hơn rất nhiều so với các loại pin thông thường làm từ silicon.

Loại pin thử nghiệm mỏng như một tờ giấy (ảnh) gồm có một lớp quang hoạt, bộ phận hấp thu ánh nắng làm từ các ống nano carbon có đường kính chỉ 1 nanomét (bằng 1 phần tỉ mét) và được kẹp ở giữa hai điện cực. Nhưng thay cho loại điện cực làm từ idium tin oxide (ITO) – một vật liệu rất khan hiếm thường dùng trong các loại pin quang điện trước đây, điện cực trong pin mới cấu tạo từ vật liệu siêu bền và siêu nhẹ graphene cùng một lớp nano carbon đơn vách – nguồn vật liệu dồi dào và rẻ tiền.

Tuy nhiên, quá trình thương mại hóa sản phẩm này có thể vẫn còn một chặng đường dài phía trước do sản phẩm thí nghiệm hiện có hiệu suất hấp thụ ánh sáng khá thấp. Do đó, các chuyên gia đang cố gắng nghiên cứu để cải thiện hiệu quả của thiết bị để nó có thể hấp thu nhiều loại bước sóng ánh sáng hơn, nhờ đó sản xuất điện tốt hơn. Họ hy vọng khi công nghệ được hoàn thiện, loại pin mỏng như thế này trong tương lai sẽ được phủ lên mọi bề mặt tiếp xúc với ánh nắng như tường nhà, cửa sổ hay trên nóc ôtô.

VI VI (Theo Electronics News)

Chia sẻ bài viết